Doanh nghiệp lớn ở miền Tây đang cố gắng cầm cự

VCCI Cần Thơ cho rằng do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp nhỏ đa số đã phá sản hoặc dừng hoạt động, trong khi doanh nghiệp lớn chỉ hoạt động 5-10% công suất.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Theo VCCI Cần Thơ, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với ca nhiễm nCoV nhiều tại một số tỉnh trong khu vực.

Doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu hậu quả nặng nề. Đặc biệt khi doanh nghiệp tại miền Tây đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên sức chống chịu yếu.

Hoạt động 5-10% công suất

Theo VCCI Cần Thơ, đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là chi phí vận chuyển, chi phí cho mô hình "3 tại chỗ"; các chính sách, quy định phòng chống dịch giữa các tỉnh còn chưa đồng bộ và việc triển khai các gói hỗ trợ chưa hiệu quả.

 Nhiều doanh nghiệp thủy sản không đủ hàng giao cho đối tác do không đủ công nhân sản xuất. Ảnh: Xuân Trường.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản không đủ hàng giao cho đối tác do không đủ công nhân sản xuất. Ảnh: Xuân Trường.

Đối với mô hình "3 tại chỗ", các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ còn nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện. Các doanh nghiệp nhỏ đa số đều phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu nên không thể duy trì sản xuất.

Các doanh nghiệp nhỏ cũng không có điều kiện, hạ tầng để thực hiện mô hình "3 tại chỗ". Đối với các doanh nghiệp lớn hơn, có thể thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất nhưng tình hình vẫn không khả quan, chỉ có thể hoạt động cầm chừng.

"Đa số doanh nghiệp cho biết chỉ hoạt động được 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện '3 tại chỗ', nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…). Ngoài ra, công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động)", báo cáo của VCCI Cần Thơ nêu.

Dịch Covid-19 cũng khiến các doanh nghiệp đều lo ngại gãy chuỗi cung ứng, không kịp giao hàng cho đối tác nước ngoài, họ sẽ chuyển qua mua ở thị trường khác và sau này không tìm lại được khách hàng.

Về quy định và chính sách chống dịch tại các tỉnh, các doanh nghiệp cho rằng chính sách của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch rất tốt nhưng có vấn đề trong thực thi ở các cấp.

"Các chính sách thiếu tính thực tiễn và thay đổi nhanh cũng khiến doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện. Trong đó, có thể kể đến một số quy định trong thời gian qua như quy định về hàng hóa thiết yếu còn mơ hồ, quy định về việc có giấy xét nghiệm âm tính, ra vào tỉnh, luồng xanh...", VCCI Cần Thơ nêu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phản ánh chưa nhận được hỗ trợ khi đề nghị chậm nộp thuế do nguồn tiền bị gián đoạn. Có trường hợp tỉnh chậm thông báo về các trường hợp dương tính khiến doanh nghiệp bị phong tỏa đột ngột.

Đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 và các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5%-1% là quá ít đối với doanh nghiệp. Tình trạng thiếu vaccine khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đến lượt tiêm dù nằm trong ngành thiết yếu...

Số lượng doanh nghiệp chờ giải thể tăng vọt

VCCI Cần Thơ cũng báo cáo về động thái doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2021 nhằm ghi nhận tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp. Trong 101 doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực được khảo sát cho thấy số quay trở lại hoạt động đang giảm dần. Trong khi đó thực tế có sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Với sự quay trở lại của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2021, miền Tây chỉ có 1.523 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 4,57% so với cùng kỳ), 1.796 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 11,41%), 4.030 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 67,71%) và 955 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 27,33%).

 Nhà xưởng rộng được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Duy Nhật dùng để phục vụ cho công nhân "3 tại chỗ". Ảnh: Nhật Tân.

Nhà xưởng rộng được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Duy Nhật dùng để phục vụ cho công nhân "3 tại chỗ". Ảnh: Nhật Tân.

Tác động của dịch Covid-19 lần này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Cụ thể, tổng doanh thu của quý I/2021 giảm 40,4%, lượng đơn đặt hàng mới giảm 41,3% so với quý 1/2021.

Trên 50% doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch doanh thu ở mức 50-75% kế hoạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất một số chính sách như hỗ trợ vaccine để tiêm cho công nhân; giãn, hoãn thuế; giảm lãi suất ngân hàng... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang chủ động tìm kiếm cơ hội, đối tác kinh doanh mới để ổn định và phát triển sản xuất.

Trao đổi với Zing, ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (Bạc Liêu), cho biết trước khi giãn cách, doanh nghiệp có trên 700 công nhân. Khi áp dụng mô hình "3 tại chỗ", công ty này chỉ giữ lại được khoảng 400 công nhân nên không dám ký đơn hàng mới với đối tác.

"Trước đây tôi có xây trên 100 phòng trọ và nội trú cho công nhân nên có điều kiện thực hiện '3 tại chỗ'. Tuy nhiên, có trên 300 công nhân về quê vì nhà xa công ty. Họ không chịu được '3 tại chỗ' nên công ty cắt giảm đơn hàng. Ví dụ trước đây một ngày sản xuất 10 tấn tôm thì hiện nay giảm xuống 6-7 tấn do không đủ công nhân", ông Khanh chia sẻ.

Theo ông Khanh, những gia đình có kinh tế ổn định sẽ không cho công nhân đi làm trong thời gian giãn cách. Công nhân xin nghỉ tạm thời để ở nhà, nếu doanh nghiệp không đồng ý họ sẵn sàng nghỉ việc luôn .

"Để giữ chân công nhân nên mình ký giấy cho họ tạm nghỉ để về nhà. Chờ hết dịch anh em quay lại. Hai tháng qua, chi phí cho lực lượng '3 tại chỗ" tăng lên khoảng 10%", ông chủ doanh nghiệp tại TP Bạc Liêu chia sẻ.

Ông Bùi Đức Xứng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Duy Nhật (Sóc Trăng), cho biết doanh nghiệp có nhà xưởng rộng, thoáng mát và sạch trong Khu công nghiệp An Nghiệp nên giữ chân được khoảng 300 công nhân. Lúc bình thường, công ty chuyên ngành bao bì này có khoảng 450 công nhân, khi thực hiện "3 tại chỗ" còn lại khoảng 60% nhân lực để duy trì sản xuất.

"Công nhân ở lâu đòi về nhà nhiều lắm. Công nhân trong độ tuổi mới lập gia đình, có con nhỏ ở nhà nên cho họ ở hoài trong này cũng không được. Chúng tôi phải giải quyết cho công nhân về nhà, anh em nào giữ được thì giữ", ông Xứng nói.

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) kiểm tra mô hình "3 tại chỗ" tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Duy Nhật vào đầu tháng 8/2021. Ảnh: Nhật Tân.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) kiểm tra mô hình "3 tại chỗ" tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Duy Nhật vào đầu tháng 8/2021. Ảnh: Nhật Tân.

Theo ông Xứng, đơn hàng của công ty ông giảm mạnh trong những tháng qua do các khách hàng là doanh nghiệp lớn đóng cửa. Doanh nghiệp bao bì này cầm cự được vì địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các tỉnh khác.

"Nhiều khách hàng lớn của chúng tôi đặt bao bì rồi không lấy vì họ ngưng sản xuất. Doanh nghiệp tôi có điều kiện đáp ứng '3 tại chỗ" nên giảm quy mô, sản xuất cầm cự. Hàng hóa sản xuất ra giải quyết cho các doanh nghiệp thủy sản trong khu công nghiệp nhằm giữ chuỗi cung ứng hàng hóa", ông Bùi Đức Xứng nói.

Theo chủ doanh nghiệp bao bì, do duy trì "3 tại chỗ" nên chi phí sản xuất tăng khoảng 10%, gồm tiền ăn uống, điện nước và bồi dưỡng thêm cho công nhân ở lại làm việc.

Việt Tường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-lon-o-mien-tay-dang-co-gang-cam-cu-post1251909.html