Doanh nghiệp mất tiền tỉ vì công văn... hỏa tốc
Bỗng dưng bị ách tắc hàng hóa do không được thông quan, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đá ở Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề
Hơn một tuần qua, từ ngày 30-12-2020 đến nay, chỉ riêng tại khu vực Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả - Cục Hải quan Quảng Ninh, 14 tàu biển chở đá vôi của nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang bị ùn tắc tại cảng, không được thông quan, thiệt hại khoảng 150.000 USD/ngày vì chi phí phát sinh.
Bị ách do áp sai mã số thuế?
Ngày 6-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện các DN cho biết nhiều năm qua, hoạt động xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi diễn ra bình thường, thực hiện theo Thông tư số 05/2019 của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, đến ngày 22-12-2020, hàng chục DN sản xuất, xuất khẩu đá vật liệu xây dựng bất ngờ nhận được thông báo của các đơn vị hải quan tạm dừng hoạt động xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi. Lý do được đưa ra là thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại Công văn hỏa tốc số 8019 ban hành cùng ngày, quy định: "Mặt hàng xuất khẩu đá vôi, đá chứa canxi (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng), đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6072:2013 thì thuộc nhóm 25.21".
Tổng cục Hải quan cho rằng thời gian qua xảy ra tình trạng nhập nhằng trong hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng... Do đó, tổng cục yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành rà soát các tờ khai xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng…, đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6072:2013 nhưng chưa phân loại (thuộc nhóm 25:21 nêu tại điểm 1 công văn) để thực hiện phân loại và áp dụng mức thuế đúng quy định, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định.
Sau khi có công văn hỏa tốc nêu trên, các cục hải quan đồng loạt dừng tiếp nhận tờ khai, dừng hoạt động thông quan hàng hóa liên quan đến việc xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi.
"14 tàu bị ách tắc đã gây thiệt hại khoảng gần 2 triệu USD cho các DN tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả. Con số này tại các cửa khẩu hải quan trong toàn quốc vẫn chưa thể thống kê hết được" - một trong các DN bức xúc.
Lãnh đạo Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị cho biết các DN xuất khẩu đá vật liệu xây dựng vẫn hoạt động bình thường theo đúng quy định pháp luật từ năm 2012 tới nay, trung bình đóng góp khoảng 250 tỉ đồng tiền thuế xuất khẩu mỗi năm. Việc áp thuế đối với mặt hàng này như thế nào, các DN sẵn sàng nghiêm túc thực hiện nhưng phải có lộ trình, không thể đột ngột ra một công văn hỏa tốc để rồi từ đó mọi hoạt động ngừng trệ. Nhiều đối tác nước ngoài khi biết thông tin này đã ngừng giao dịch với DN Việt Nam vì cho rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro, họ đã chuyển hướng sang ký hợp đồng với các đối tác ở nước khác.
Chưa có sự thống nhất của các bộ, ngành
Ông Hoàng Tú Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, cho biết: "Tình trạng nhiều tàu đã về tới cảng Cẩm Phả đang làm thủ tục hoặc chuẩn bị làm thủ tục thông quan nhưng bị đình trệ là chính xác. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả có nhận được kiến nghị của các DN và cũng đã báo cáo tới Cục Hải quan Quảng Ninh, Tổng cục Hải quan về bất cập này. Theo tôi được biết, đang có sự chưa thống nhất của các bộ, ngành về cách tính thuế đối với mặt hàng này".
Ông Harish Taparia, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị, nói rằng DN của ông lao đao vì Công văn 8019 của Tổng cục Hải quan. "Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn thực hiện theo Thông tư số 05/2019 của Bộ Xây dựng. Nay Tổng cục Hải quan dùng một công văn hỏa tốc đưa ra ý chí chủ quan của họ khi chưa tham chiếu đầy đủ mọi văn bản pháp luật khác, cũng không có lộ trình là gây thiệt hại cho DN" - ông Harish Taparia bày tỏ ý kiến.
Sẽ khởi kiện nếu không được thông quan
Đại diện các DN xuất khẩu đá bày tỏ nếu Tổng cục Hải quan cho rằng mức áp thuế như vậy chưa đúng thì có thể truy thu thuế, thực hiện các biện pháp áp thuế mới chứ không thể dừng mọi hoạt động thông quan xuất khẩu gây thiệt hại cho DN. Trong thời gian tới, nếu những cầu cứu giải phóng hàng tồn đọng tại các cửa khẩu không được đáp ứng, thông quan, các DN sẽ bảo vệ mình bằng cách khởi kiện Tổng cục Hải quan do việc ban hành Công văn hỏa tốc số 8019 gây thiệt hại đối với các DN.