Doanh nghiệp mong được hỗ trợ tiếp cận vốn và hạ lãi suất cho vay
Các doanh nghiệp mong mỏi có những giải pháp cơ chế, chính sách đột phá giúp doanh nghiệp vượt khó. Trong đó, đề xuất được hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn và hạ lãi suất cho vay, bởi lãi suất vẫn còn khá cao dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) Nguyễn Văn Thân, thực tế có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.
Dòng vốn bị tắc nghẽn vì đâu?
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - Xã hội năm 2023, được tổ chức ngày 19/9, ông Thân cho biết, hiện phần lớn trong số những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đã kiệt quệ về tài chính, không còn tài sản thế chấp, trong khi đó hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn khi dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho các nhà quản lý rằng: "khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?".
Nêu thực trạng có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay. Ông Thân đặt vấn đề: "Vậy, phải chăng việc khai thông nguồn vốn tín dụng không chỉ hướng tới các đối tượng có nhu cầu vay mà phải hướng tới cả các đối tượng có tiền mang đi gửi ngân hàng do chưa biết phải đầu tư vào đâu. Nói một cách khác là làm sao để họ rút tiền gửi và lưu thông vào thị trường".
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nhận định: Dường như "khẩu vị" rủi ro của các NHTM đang có sự thay đổi. Tính đến cuối tháng 6/2023, các NHTM đã cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Đây là con số không hề nhỏ nhưng thực tế tình hình cho vay 3 tháng gần đây lại có xu hướng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, ông Thân cũng thừa nhận, thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía DNNVV là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ.
“Đây là một trong ba mấu chốt khiến cho các NHTM và DNNVV chưa thể xây dựng lòng tin với nhau để từ đó tăng cường hoạt động cho vay tín chấp. Về bản chất, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì họ chắc chắn sẽ không từ chối”, ông Thân nhìn nhận.
Không chỉ DNNVV khó tiếp cận vốn, mà doanh nghiệp có quy mô lớn cũng mong mỏi có cơ chế đột phá. Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, bà Lê Hồng Thủy Tiên cho biết, doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng. Đến năm 2023 do tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm, lạm phát, thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp mong mỏi có những giải pháp cơ chế, chính sách đột phá giúp doanh nghiệp vượt khó.
Cụ thể, bà Lê Hồng Thủy Tiên đề xuất được hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn và hạ lãi suất cho vay. "Vẫn có nhiều doanh nghiệp kêu lãi suất cho vay còn cao dù lãi suất điều hành đã giảm bốn lần. Bên cạnh đó, chính sách thuế, hỗ trợ lãi vay cần có giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp và có cơ quan độc lập đánh giá chính sách này để điều chỉnh cho đạt hiệu quả hơn", bà Tiên đề xuất.
Điều hành lãi suất là khó nhất
Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là phải đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn.
Trong đó, điển hình nhất là doanh nghiệp không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các doanh nghiệp.
Giải pháp tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất giải quyết vấn đề vốn. Theo kết quả khảo sát của VCCI về những vấn đề mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhất, một nửa doanh nghiệp tham gia trả lời là khó khăn về tiếp cận tín dụng. Nên doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô phát triển thì vốn là vấn đề cần giải quyết hàng đầu.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận, chính sách tiền tệ có những giới hạn, càng không được lạm dụng khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, nhất là khi mặt bằng lãi suất không còn là cứu cánh cho doanh nghiệp đã không còn đủ sức khỏe và không có nhu cầu vay vốn đầu tư do không tìm được thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh.
“Điều này đòi hỏi phải chuyển hướng tập trung ưu tiên chính sách tài khóa, kết hợp triển khai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, để hướng dòng vốn vào những công trình hạ tầng lớn, những chương trình mục tiêu quốc gia, những ngành, lĩnh vực có khả năng sớm phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế”, ông Thắng cho hay.
Trong khi đó, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến hết năm và đầu năm 2024. Ông khẳng định, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua. Việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch COVID-19 và tình hình sản xuất của thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua của Việt Nam rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt là có sự phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các NHTM và các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Về vấn đề lãi suất, ông Đào Minh Tú nhận thấy điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ.
Ông Tú dẫn chứng nước Mỹ đã 11 lần điều chỉnh tăng và đang duy trì lãi suất ở mức 5,5%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Trong khi lãi suất cả thế giới tăng, thì Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất, đồng thời tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các NHTM có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.
Đại diện NHNN khẳng định, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, điều hành chặt chẽ, hợp lý. “Đây cũng là thành công của NHNN trong điều hành thời gian qua để giữ tỷ giá và lãi suất, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát”, ông Tú nói.