Doanh nghiệp muốn có chất nổ để thi công phải làm sao?

Theo luật sư, doanh nghiệp chỉ được mua vật liệu nổ công nghiệp có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam và phải xin giấy phép sử dụng...

Ngày 27-4, TAND tỉnh Quảng Nam mở lại phiên xử bị cáo Hồ Sỹ Thái (Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nhi) và các đồng phạm về các tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

Trong vụ án này, Thái bị cáo buộc đã chỉ đạo Nguyễn Duy Tuân ký hợp đồng kinh tế về việc thi công công trình giữa hai công ty để hợp thức hóa việc mua bán trái phép vật liệu nổ...

Phiên tòa xét xử Hồ Sỹ Thái và đồng phạm. Ảnh: TN

Phiên tòa xét xử Hồ Sỹ Thái và đồng phạm. Ảnh: TN

Từ vụ án này, nhiều bạn đọc thắc mắc nếu doanh nghiệp muốn có chất nổ để thi công công trình thì phải làm sao mới đúng?

Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), vật liệu nổ có vật liệu nổ quân dụng và vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN). Trong đó, vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh. Còn VLNCN là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.

Theo LS Tuấn, khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về sử dụng VLNCN thì tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải bảo đảm các điều kiện như:

- Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hoạt động ngành, nghề, lĩnh vực cần sử dụng VLNCN.

- Có hoạt động khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, công trình nghiên cứu, thử nghiệm hoặc thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao cần sử dụng VLNCN.

- Có kho, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ hoạt động sử dụng VLNCN bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển VLNCN.

- Địa điểm sử dụng VLNCN phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định có liên quan.

- Người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn và người khác có liên quan đến sử dụng VLNCN phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sử dụng VLNCN...

Cạnh đó, theo LS Tuấn, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải tuân thủ các quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017. Trong đó, chỉ được mua VLNCN có trong danh mục VLNCN được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam từ các doanh nghiệp kinh doanh VLNCN. VLNCN không sử dụng hết phải bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh VLNCN...

Danh mục VLNCN được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam đã được ban hành kèm theo Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15-6-2018 quy định về quản lý, sử dụng VLNCN, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất VLNCN.

Đồng tình, Luật sư Thái Văn Minh (Đoàn Luật TP.HCM) cho biết thêm doanh nghiệp muốn sử dụng VLNCN phải xin cấp giấy phép sử dụng theo Điều 5 Thông tư 13/2018/TT-BCT.

Về thẩm quyền, theo LS Minh, Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan cấp giấy phép sử dụng VLNCN (Điều 6 Thông tư 13/2018/TT-BCT).

Về hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN được quy định tại Điều 42 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ năm 2017. Trong đó, một số giấy tờ phải có như đơn đề nghị cấp giấy phép sử dụng VLNCN, giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh trật tự làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện,...

"Như vậy, ngoài việc phải đăng ký hoạt động ngành, nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì một doanh nghiệp muốn sử dụng VLNCN phải xin giấy phép sử dụng VLNCN", LS Minh nói.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-muon-co-chat-no-de-thi-cong-phai-lam-sao-post730832.html