Doanh nghiệp Mỹ muốn tăng cường hợp tác về chuyển đổi số, kinh tế sáng tạo

Các tập đoàn của Mỹ đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị, khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần đưa nền kinh tế số Việt Nam tăng quy mô từ 21 tỉ đô la Mỹ năm 2021 lên 57 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025…

Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra ngày 8-3. Ảnh: VGP

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề “Định hình lại quan hệ kinh tế song phương” đã được tổ chức vào ngày 8-3, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Mỹ tại Washington (US Chamber) phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong tương lai thông qua kinh tế số và sáng tạo; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam; thúc đẩy đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế.

Các đại biểu tin tưởng rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì. Những giải pháp để tháo gỡ khó khăn và các vấn đề chính được nêu ra tại hội nghị sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn của Mỹ đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo…

Ông Dean Garfield, Phó Chủ tịch toàn cầu về Chính sách công của Netflix nhận định Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sáng tạo nhất ở khu vực châu Á và sẽ thành công trong mục tiêu tăng tỷ trọng của công nghiệp sáng tạo.

Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ cùng bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham đã chia sẻ ấn tượng về những cam kết mạnh mẽ tại COP26 và lộ trình triển khai của Việt Nam. Ông John Kerry cho rằng Việt Nam đang tích cực tham gia và có thể trở thành một “hình mẫu” trên thế giới về thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (năm 2007); xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ (năm 2013)…

Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập 5 nội dung lớn: Sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ; công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 vượt hơn 110 tỉ đô la

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu đô la Mỹ năm 1995 lên hơn 111 tỉ đô la vào năm 2021 (trong đó, tăng gần 21 tỉ đô la Mỹ so với năm 2020). Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ đô la Mỹ với Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của quốc gia này.

Nhiều năm qua, Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng cho biết ông vui mừng trước kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Amcham. Theo đó, có gần 80% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (quy mô khoảng 350.000 tỉ đồng, tương đương trên 4% GDP). Tập trung vào mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi thị trường lao động, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thông qua hoãn, miễn, giảm thuế, phí, điện và nước…; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với các dự án quan trọng, cấp thiết… Việt Nam sẽ tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC).

Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa, phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới thực chất và hiệu quả hơn. Trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là trụ cột, động lực mạnh mẽ trong quan hệ hai nước và còn tiềm năng, dư địa phát triển rất lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC). Ảnh: baochinhphu.vn

Các doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do Covid-19. Các doanh nghiệp nêu một số kiến nghị, khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực: chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon; chuyển đổi số, góp phần đưa nền kinh tế số Việt Nam tăng quy mô từ 21 tỉ đô la Mỹ năm 2021 lên 57 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025; nâng cao năng lực y tế, ứng phó với các dịch bệnh; logistics…

Thủ tướng giao các bộ, ngành phản hồi, xử lý các đề xuất tại cuộc gặp theo thẩm quyền và trình cấp trên quyết định các vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng cho biết với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đẩy mạnh hợp tác công-tư để huy động các nguồn lực, đa dạng hóa tài chính. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm chính sách vĩ mô ổn định và thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải cách hành chính để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ tiếp tục kinh doanh ổn định, lâu dài, nhất là trong các lĩnh vực cũng là các ưu tiên của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề mà Việt Nam có điều kiện phát triển và là thế mạnh của Hoa Kỳ; hệ sinh thái chuyển đổi năng lượng chủ động thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu và thực hiện các cam kết của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm logistics; nâng cao năng lực hệ thống y tế…

Thủ tướng đề nghị phía Mỹ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường thuận lợi, tránh các biện pháp phòng vệ thương mại có thể gây tổn hại cho người dân Việt Nam và người tiêu dùng Mỹ; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về thuốc, vaccine, nâng cao năng lực y tế…

Thủ tướng mong các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ, sát cánh cùng với Chính phủ và người dân Việt Nam trong bối cảnh một nước đang phát triển có xuất phát điểm thấp, trải qua chiến tranh kéo dài; ủng hộ và đóng góp phát triển quan hệ hai nước, có tiếng nói với Chính phủ Mỹ để triển khai hợp tác, hỗ trợ phát triển cho Việt Nam; tích cực trao đổi, hợp tác với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng hai nước…

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-my-muon-tang-cuong-hop-tac-ve-chuyen-doi-so-kinh-te-sang-tao/