Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ ứng dụng kinh tế số

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động đã và đang giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước vượt qua khó khăn kéo dài từ khi có dịch Covid-19.

Đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng 2 con số

Tại Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”, diễn ra ngày 25/10, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ chỉ rõ doanh nghiệp có vị trí quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Hải Anh

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Hải Anh

Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, chỉ ra tốc độ tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam luôn đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022 và nhanh nhất Đông Nam Á. Trong những năm tới, Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế số.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,9% (năm 2021) lên 14,3% (năm 2022) và 6 tháng của năm 2023 đạt gần 15%.

Trên thực tế, theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III/2023 cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD, với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD… Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.

“Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động” - ông Hoàng Quang Phòng phân tích.

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí…, góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập vào năm 2045.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code, ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử…

Còn nhiều khó khăn khi ứng dụng kinh tế số

Bên cạnh kết quả đạt được, tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số để tránh tụt hậu. Tuy nhiên đây là hành trình dài hơi, cần có sự đầu tư bài bản, trong khi 97% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ với trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ, do đó gặp rất nhiều khó khăn khi vận dụng các mô hình hoạt động mới từ nền kinh tế số.

Phát triển kinh tế số là chặng đường dài và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa

Ông Trịnh Minh Anh cũng chia sẻ, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, do thiếu nguồn lực (từ vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao). Thêm vào đó, năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số đang là những nút thắt cản trở doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất mới.

Theo ông Trịnh Minh Anh, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nên kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như tránh tụt hậu về công nghệ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, rất cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa (như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải, đào tạo từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án - điều trị bệnh trực tuyến, hệ thống quản lý nông - lâm - ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số…).

Để làm được những điều này, các cấp quản lý nhà nước cần chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.

Tại diễn đàn, lãnh đạo VCCI cũng như chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến nghị, đồng thời với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-nho-ung-dung-kinh-te-so-138211.html