Doanh nghiệp nêu lý do giá gạo xuất khẩu 'bốc hơi' 35 USD/tấn
Theo các doanh nghiệp, việc giảm giá gạo xuất khẩu thời điểm hiện nay nhằm cạnh tranh và thu hút người mua trong những tháng cuối năm.
Sau nhiều phiên điều chỉnh, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam hiện tiến sát mốc 600 USD/tấn, thấp hơn 35 USD/tấn so với đỉnh điểm vào 31/8.
Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 25/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 5 USD/tấn về mức 608- 612 USD/tấn, giá gạo 25% tấm cũng có mức giảm tương tự, còn 593-597 USD/tấn.
Như vậy so với mức giá thiết lập là 643 USD/tấn vào ngày 31/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã “bốc hơi” 35 USD/tấn. Tương tự gạo 25% tấm sau khi đạt mức đỉnh 628 USD/tấn vào ngày 28/8, nay cũng giảm 35 USD/tấn, xuống còn 593 USD/tấn.
Không riêng gạo Việt Nam, các nguồn cung gạo khác là Thái Lan và Pakistan cũng giảm, trong đó gạo loại 5% tấm của Thái Lan đã lùi về mốc 600 USD/tấn còn gạo cùng loại của Pakistan ở mức 598 USD/tấn.
Thực tế giá gạo xuất khẩu giảm đã được nhiều doanh nghiệp dự báo từ trước và việc giảm giá này nhằm giúp doanh nghiệp chào bán thuận lợi hơn. “Mức giảm như hiện nay không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi vì cái gì tăng lên đỉnh điểm thì cũng sẽ xuống lại. Đây là điều tất nhiên. Tuy nhiên mức giá hiện tại rất tốt cho các công ty xuất khẩu”- ông Lê Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH và Phát triển gạo Nhật Thành cho biết.
Còn theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, việc giảm giá trong thời điểm này của nhiều doanh nghiệp nhằm giúp gạo Việt Nam có mức cạnh tranh hơn và dễ thu hút người mua vào cuối năm.
Ông Có cũng dự báo rằng, giá gạo có thể sẽ tiếp tục giảm về dưới 600 USD/tấn. “Tôi cho rằng giá gạo có thể sẽ tiếp tục giảm thêm. Tuy nhiên giá sẽ không giảm quá nhiều vì hiện nay sản lượng gạo của các nguồn cung trên thế giới không còn nhiều”- ông Có dự báo.
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho rằng, trong tháng 10/2023 - khi mùa vụ của Ấn Độ thu hoạch và Chính phủ Ấn Độ bán hàng ra để nhập hàng mùa vụ mới vào có thể giá thành của gạo thế giới sẽ tiếp tục giảm thêm. Còn nếu Chính phủ Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm như hiện nay thì giá gạo sẽ vẫn được duy trì.
Mặc dù giá gạo xuất khẩu đã giảm liên tục trong thời gian qua, tuy vậy tại nội địa giá gạo nguyên liệu và thành phẩm vẫn xu hướng tăng. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 hiện dao động quanh mốc 11.900-12.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 13.900-14.000 đồng/kg. Ngoài gạo, giá phụ phẩm cũng ở mức cao, trong đó tấm IR 504 dao động từ 11.900-12.000 đồng/kg; giá cám khô dao động quanh mốc 6.550 - 6.700 đồng/kg.
Với mức giá như hiện nay, các doanh nghiệp cho biết giá gạo trên thị trường nội địa vẫn đang có sự chênh lệch lớn với gạo xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, giá lúa gạo tăng sẽ có lợi cho nông dân song mức tăng phải chấp nhận được. Bởi lẽ nếu giá gạo vẫn tiếp xu hướng “giá nội cao hơn giá ngoại” sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu không tiếp cận được với nguồn gạo trong nước.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo đang thuận lợi, nhất là trong những tháng cuối năm bởi các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… vẫn mua mạnh. Ngoài ra, người tiêu dùng tại thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông đang ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 308 nghìn tấn gạo các loại, thu về 190,4 triệu USD. Lũy kế đến giữa tháng 9 năm nay, lượng gạo xuất khẩu lên đến 6,12 triệu tấn, giá trị đạt 3,35 tỷ USD.