Doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy: Giảm phát thải khí nhà kính là thách thức lớn

Phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có báo cáo gửi cơ quan quản lý trước 31/3/2025, nhiều doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy FDI đã có những giải pháp cụ thể.

Thách thức và áp lực cho doanh nghiệp

Theo Nghị định 06/22022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn cùng với Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính, các doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy là những đối tượng phải thực hiện kiểm kê và giảm phát thải.

Ông Lương Quang Huy - Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải và Bảo vệ tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngành giấy và bột giấy là một phân khúc quan trọng trong sản xuất công nghiệp, có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn, việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực này sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu cam kết quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC).

Ông Lương Quang Huy nhấn mạnh, các doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy sẽ phải thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính và phải nộp trước 31/3/2025. Hiện đã có một số doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và thực hiện kiểm kê và các giải pháp giảm nhẹ khí nhà kính.

Ông Koji Fukuda - Cố vấn trưởng Dự án JICA SPI-NDC chia sẻ, hiện nhiều doanh nghiệp giấy và bột giấy của Việt Nam chưa nắm rõ phải bắt đầu từ đâu để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, hay làm cách nào để có thể giảm phát thải khí nhà kính? Điều này càng trở lên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu và khi Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ phân bổ “hạn ngạch” khí thải cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Kraft of Asia Paperboard & Packaging đã giảm được phát thải khí nhà kính - ảnh Thu Hường

Công ty trách nhiệm hữu hạn Kraft of Asia Paperboard & Packaging đã giảm được phát thải khí nhà kính - ảnh Thu Hường

Ông Koji Fukuda khẳng định: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính không chỉ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, thể hiện cam kết của doanh nghiệp với giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định của pháp luật cũng như thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp tuân thủ Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG)

Đồng bộ các giải pháp

Giảm phát thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng hiệu quả đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp giấy và bột giấy thực hiện thành công, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Ông Hiroshi Matsumura - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KOA) chia sẻ: Nhờ thực hành tốt về các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giấy và bột giấy”, doanh nghiệp đã giảm được phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động trong sản xuất giấy, bột giấy. Cụ thể, ông Đào Phú Khánh - Trợ lý Tổng Giám đốc, Phòng Môi trường và Kế hoạch kinh doanh của KOA cho biết: Công ty đã đầu tư cho các dự án năng lượng hiệu quả thông qua đầu tư đổi mới công nghệ giúp giảm lượng hơi và lượng điện tiêu thụ, sử dụng 100% nguyên liệu tái chế để bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên rừng, giúp duy trì cơ chế thu nhận CO2 tự nhiên, giảm rác thải, giảm lượng nước sử dụng… Hiện mức phát thải của công ty bằng mức thải thấp nhất của doanh nghiệp tại châu Âu. KOA phấn đấu đến năm 2040 đạt Net zezo. Đặc biệt, KOA đã thay đổi nhiên liệu để giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng đồng phát đốt khí gas thiên nhiên giúp giảm 50% lượng khí thải CO2 so với hệ thống sử dụng than đá.

Còn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Kraft Vina, ông Teerachai Chavapongpanit - Giám đốc Nhà máy cho biết: Bên cạnh ký thỏa thuận hỗ trợ tín dụng hướng tới mục tiêu dài hạn về vận hành bền vững với tổng gí trị 5.000 triệu đồng Baht trong 4 năm từ Ngân hàng Ayudhya cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, giảm lượng nước sử dụng và tăng tỷ lệ kinh doanh sản phẩm có nhãn xanh SCG, công ty còn thiết lập giá trị các-bon nội bộ trong giai đoạn 2022 - 2024 với giá trị tối đa là 25 USD/tấn CO2 tương đương. Công ty lấy năm 2020 là năm cơ sở, mục tiêu đến năm 2030 giảm 20% lượng khí thải và năm 2050 đạt phát thải ròng bằng không. Trong đó 80% lượng khí thải được giảm sẽ thông qua các giải pháp: Năng lượng tái tạo, hiệu quả sử dụng năng lượng và các sản phẩm các-bon thấp. 20% lượng khí thải còn lại sẽ được loại bỏ thông qua giải pháp về khí hậu tự nhiên, lưu trữ, sử dụng và thu hồi các-bon.

Theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg hiện Việt Nam có 70 doanh nghiệp giấy và bột giấy phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu bởi để đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu thì báo cáo kiểm kê khí nhà kính của các doanh nghiêp sẽ được các chuyên gia từ các nước nhập khẩu trực tiếp kiểm định. Do vậy để nâng cao sức cạnh tranh và giữ vững thị trường, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh và bền vững.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-giay-va-bot-giay-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-la-thach-thuc-lon-264900.html