Doanh nghiệp ngoại 'ngóng' lên sàn chứng khoán
Hiện nay nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang mong ngóng được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt nhưng vấp phải thực trạng đáng lo ngại khi chưa có cơ chế và hành hang pháp lý cụ thể.
Chờ cơ chế
Cách nay 15 năm, với những quy định cởi mở của Nghị định 38/2003/NĐ-CP và Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt DN FDI lớn thời điểm đó nhộn nhịp lên sàn đã tạo ra một không khí vô cùng sôi động trên thị trường vốn.
Nhưng sự tích cực ở thị trường vốn thời điểm đó đã không kéo dài. Sau giai đoạn đầu “đẹp như mơ” trên các sàn giao dịch thì các mã cổ phiếu FDI đã nhanh chóng bộc lộ hình ảnh thua lỗ, giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, thậm chí một số DN đã bị hủy niêm yết vì nghi vấn liên quan đến các hoạt động chuyển giá. Theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến việc niêm yết của các DN FDI bị chậm trễ và không còn nhiều hấp dẫn là vì niềm tin của thị trường vào các DN FDI đã bắt đầu sụt giảm. Bên cạnh đó, việc kinh doanh của các DN FDI niêm yết phụ thuộc quá lớn vào các đối tác nước ngoài cũng khiến nhà đầu tư e ngại, đặt dấu hỏi về sự minh bạch trong các thông tin tài chính, thậm chí lo ngại có hiện tượng DN FDI lợi dụng thị trường chứng khoán để chiếm dụng vốn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI đã làm ăn khấm khá và có định hướng kinh doanh lâu dài tại Việt Nam đã thực sự mong muốn niêm yết trên sàn chứng khoán.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, có một số DN FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần nhưng chưa có quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết/đăng ký giao dịch.
Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý để hỗ trợ các DN FDI lên sàn.
Nhanh chóng gỡ nút thắt
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp bàn với các bộ, ngành liên quan để thống nhất trình Chính phủ quy định pháp lý cho các DN FDI lên niêm yết. Hiện Bộ KH&ĐT cũng đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán nhà nước để thống nhất đề xuất sửa đổi các luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trong đó có câu chuyện về việc khó khăn pháp lý cho khối DN FDI lên sàn. Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước thông tin rằng, nếu thuận lợi thì trong quý III/2019 các quy định pháp lý hướng dẫn khối DN FDI niêm yết sẽ cơ bản được xác lập.
Trong khi chờ đợi các quy định pháp lý, ghi nhận từ thị trường cho thấy đến hiện tại đã có hàng loạt các DN FDI “thế hệ mới” hoàn tất những thủ tục cuối cùng để chính thức chào sàn.
Ở góc độ minh bạch thông tin, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Bộ này đã bắt đầu triển khai dự án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đối với các loại hình DN tại Việt Nam. Trong các năm 2022 - 2025, khi hệ thống các chuẩn mực này được hoàn thiện, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước sẽ được chọn để thí điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất theo tiêu chuẩn IFRS.
Riêng đối với các DN FDI, Bộ Tài chính sẽ khuyến khích các công ty tự nguyện áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính riêng của mình nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế và các cơ quan quản lý, giám sát về tài chính. Theo nhận định từ phía các doanh nghiệp FDI, Chính phủ và Bộ Tài chính có thể nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ các DN FDI niêm yết thì sẽ tranh thủ phát triển mạnh được thị trường vốn chuyên nghiệp trong các năm thay vì chỉ tập trung thu hút FDI thuần túy vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ như hiện nay.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-ngoai-ngong-len-san-chung-khoan-post66854.html