Doanh nghiệp, người đầu tư điện mặt trời ở Tây Nguyên lo phá sản

Việc sản lượng điện tiêu thụ giảm do dịch Covid-19 khiến huy động điện mặt trời cũng giảm theo. Điều đó khiến hàng nghìn chủ đầu tư điện mặt trời lâm vào cảnh khó khăn.

Hơn một năm trước, nhiều người dân, doanh nghiệp ồ ạt đầu tư điện mặt trời mái nhà để được hưởng ưu đãi giá bán trong thời gian 20 năm. Tuy nhiên, lợi nhuận được tính toán khi các dự án được hoạt động hết công suất.

Dịch Covid-19 khiến sản lượng điện tiêu thụ giảm mạnh, EVN phải tiết giảm huy động từ nhiều nguồn, trong đó có điện mặt trời. Do vậy, nhiều dự án điện mặt trời rơi vào cảnh khó khăn. Hàng loạt chủ đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà ở Tây Nguyên đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì phải vay ngân hàng.

Gửi đơn kêu cứu khắp nơi

Hàng nghìn chủ dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà ở Tây Nguyên đang gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì bị cắt giảm sản lượng điện.

Ông Lê Ngọc Anh (ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời với công suất gần 2.000 kWp.

Theo ông Anh, từ đầu năm 2021 đến nay, 2 dự án của ông liên tục bị cắt giảm lượng điện huy động, đặc biệt là trong tháng 7, 8, 9. Trung bình, mỗi tháng thiệt hại từ 50-70 triệu đồng vì việc cắt giảm này.

 Các doanh nghiệp sợ vỡ nợ vì bị cắt giảm sản lượng. Ảnh: T.N.

Các doanh nghiệp sợ vỡ nợ vì bị cắt giảm sản lượng. Ảnh: T.N.

“Từ tháng 2-5 công ty điện lực cắt giảm luân phiên theo ngày. Còn 3 tháng nay, ngày nào công ty cũng phải cắt giảm từ 11% đến 30% công suất. Việc này ảnh hưởng tới quá trình hoàn hồi vốn, trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp”, ông Anh nói.

Tương tự, ông Trần Tiến Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa (Đắk Lắk), cho biết doanh nghiệp đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng điện mặt trời mái nhà với công suất 999 KW, dự kiến doanh thu bán điện khoảng 300 triệu/tháng.

Theo ông Bình, ngoài nguồn vốn 5 tỷ đồng tự có thì đơn vị đã vay thêm ngân hàng 10 tỷ đồng để thực hiện dự án điện mặt trời.

“Mỗi tháng công ty phải trang trải chi phí khoảng 270 triệu đồng bao gồm tiền lãi, tiền gốc, thuế giá trị gia tăng, chi phí vận hành. Việc cắt giảm này khiến công ty lâm vào cảnh khó khăn dễ dẫn đến việc không có tiền trả ngân hàng và vỡ nợ”, ông Bình nói.

Tương tự, một người dân đầu tư điện mặt trời áp mái nhà tại Đắk Lắk cho biết từ khi hoàn thành dự án, bán điện thì liên tục bị cắt giảm công suất, sản lượng điện đến 2/3, gây khó khăn về tài chính.

“Để có tiền đầu tư điện mặt trời chúng tôi phải đi vay nhưng giờ bị cắt giảm sản lượng khiến chúng tôi rơi vào khó khăn trong khi ngân hàng không giảm lãi suất. Công ty điện lực lấy lý do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để cắt giảm đẩy chúng tôi đến với nguy cơ phá sản”, người này nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Gia Lai khi nhiều doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà gửi đơn kêu cứu gửi lãnh đạo tỉnh vì bị cắt giảm, sa thải công suất. Việc cắt giảm liên tục khiến doanh thu giảm sút, ảnh hưởng đến việc trả nợ vay ngân hàng.

Trong khi đó, điện lực Gia Lai cho rằng việc cắt giảm sẽ công khai, minh bạch và khi qua đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mua điện mặt trời.

Dịch Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ giảm

Qua khảo sát, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời đều vay ngân hàng để làm dự án. Có doanh nghiệp vay ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70-80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay 9,5-12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp hàng tháng là rất lớn.

Việc ngành điện cắt giảm huy động lượng điện không những gây ra sự lãng phí mà còn khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.

 Việc cắt giảm là do sản lượng tiêu thụ giảm. Ảnh: T.N.

Việc cắt giảm là do sản lượng tiêu thụ giảm. Ảnh: T.N.

Theo Công ty Điện lực Đắk Nông, do tình hình dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ điện cả nước giảm. Do đó, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia đã tính toán và phân bổ để bảo đảm vận hành an toàn đối với hệ thống điện quốc gia.

“Khi khống chế được dịch bệnh, kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng điện tăng sẽ không tiết giảm nữa”, đại diện này nói.

Trong khi đó, ông Hà Văn Chương, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, cho biết cho biết địa phương có hơn 5.000 công trình điện mặt trời mái nhà.

Theo ông Chương việc cắt giảm điện năng lượng mặt trời gây ra sự lãng phí. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua nên nhu cầu sử dụng giảm mạnh.

Do đó, Tổng công ty Điện lực Miền Trung có thông báo tiết giảm nguồn điện năng lượng mặt trời nên đơn vị đã thông báo đến các chủ đầu tư, người dân biết.

“Việc cắt giảm sẽ khiến cho chủ đầu tư, người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng vì đa số tiền đầu tư đều vay. Để giúp đỡ các chủ đầu tư, tôi nghĩ ngân hàng cũng nên có những ưu đãi, giảm nợ trong thời gian này vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành điện cũng sẽ huy động tối ưu theo phân bổ của Tổng công ty Điện lực Miền Trung về việc huy động của các chủ đầu tư nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ đầu tư”, ông Chương nói.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9, mức công suất đỉnh của toàn quốc là hơn 29.700 MW, sản lượng toàn hệ thống điện quốc gia là 624,3 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ này thấp hơn 24% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7; đồng thời thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng khu vực miền Nam, trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9 mức công suất đỉnh gần 12.200 MW, sản lượng toàn hệ thống điện miền Nam là 243 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ này thấp hơn 29% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7; đồng thời thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Tây Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-nguoi-dau-tu-dien-mat-troi-o-tay-nguyen-lo-pha-san-post1266381.html