Doanh nghiệp nhà nước phải trở lại sức sống vốn có
Lực cản lớn trong cổ phần hóa đang được gỡ, nhưng phải nhanh hơn để một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trở lại sức sống vốn có. Và việc cải cách khu vực này không chỉ là cổ phần hóa.
Gỡ bỏ công văn làm khó hàng loạt doanh nghiệp
Đến thời điểm này, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) đã có thể nói được về thời điểm hoàn tất cổ phần hóa, điều mà cách đây nửa tháng, bà không dám chắc điều gì.
Vì, Công văn số 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính ra Văn bản số 12708/BTC-TCDN bãi bỏ. Có nghĩa là, mọi việc quay lại 6 tháng trước khi Công văn 4544/BTC-TCDN được ban hành và có hiệu lực.
Trước khi có công văn trên, Vinafood 1 đang thực hiện rà soát phương án sử dụng đất của công ty mẹ và 2 công ty do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Đến đầu năm 2019, mọi việc dù chậm, nhưng cũng “hòm hòm” để kịp hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2020.
Thực ra, năm 2020 là thời hạn mới cho lộ trình cổ phần hóa Vinafood 1 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 mà Thủ tướng ký ban hành vào ngày 25/8. Trước đó, theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, Vinafood 1 phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2019.
Nhưng khi Công văn 4544/BTC-TCDN ra đời, tình thế thay đổi hoàn toàn. Vinafood 1 phải rà soát phương án sử dụng đất của cả doanh nghiệp mà Tổng công ty nắm giữ 51% vốn điều lệ trở lên.
“Do đặc thù có các kho lương thực trải dài ở các tỉnh, đất đai tranh chấp nhiều nên không thể giải quyết một sớm, một chiều. Tổng công ty đã làm việc với địa phương, đề nghị giúp đỡ cũng không được”, bà Tâm đã báo cáo Thủ tướng lý do chậm trễ cổ phần hóa.
Điều đáng nói là, Vinafood 1 đang có 300 mảnh đất phải rà soát, nếu 1 mảnh bị tắc, mọi việc liên quan đến cổ phần hóa của công ty mẹ phải dừng lại.
Không chỉ một vài doanh nghiệp bị vướng bởi Công văn 4544/BTC-TCDN. Nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước thắc mắc về tính pháp lý của Công văn này.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước không chỉ là cổ phần hóa
Việc bãi bỏ Công văn 4544/BTC-TCDN đã được làm, nhưng khó khăn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa phải đã xong.
Ngay Vinafood 1 vẫn khó, vì 8 loại hình nhà đất sắp xếp theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công không đủ để khớp với thực tế, nhưng doanh nghiệp lại không có công cụ để xử lý và không có kinh phí để giải tỏa, đưa về trạng thái đất sạch trước khi trả lại địa phương. Đây là lý do bà Tâm đề nghị rà soát lại Nghị định 167/2017/NĐ-CP để quy định lại quy trình phù hợp thực tế, giao cho địa phương thu hồi, xử lý trong trường hợp có tranh chấp. “Hiện tại, địa phương không làm, vì sợ làm sai”, bà Tâm thẳng thắn.
Quy trình là điều mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đề nghị phải thay đổi. Hiện tại, theo quy định của Nghị định 126/2017/NĐ-CP, mọi công việc liên quan đến cổ phần hóa đều phải thực hiện sau khi có phương án sử dụng đất được phê duyệt. Sự chậm trễ có thể dự báo trước của các thủ tục liên quan đến đất đai chắc chắn sẽ làm khó các công việc khác.
“Sao không coi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như một dự án đầu tư, mà Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chủ trương bằng việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa, không cần thêm quyết định cổ phần nữa. Các thủ tục khác có thể tiến hành song song”, ông Trần Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT đã từng đặt vấn đề như vậy với Chính phủ.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu chỉ tập trung vào cổ phần hóa, mục tiêu cải cách khu vực này không thể đạt được, nhất là với yêu cầu mà Thủ tướng đã nhấn mạnh, đó là mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo.
“Cải cách doanh nghiệp nhà nước đang rất chậm. Để đẩy nhanh, để không sợ sai, phải để doanh nghiệp nhà nước có giá thị trường. Để có giá thị trường, doanh nghiệp phải minh bạch như một doanh nghiệp niêm yết”, ông Cung nói.
Để đạt được yêu cầu này, theo ông Cung, có hai điểm phải làm ngay. Đó là mở rộng quyền tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, đồng thời áp dụng khung quản trị theo thông lệ quốc tế. Hai việc này phải làm đồng thời, nếu không sẽ không cân bằng được trong kiểm soát doanh nghiệp nhà nước và đây là hệ quả của những Vinashin, Vinalines trong quá khứ, cũng như tư duy hành chính hóa đối với doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua.
Phải nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ngày 16/10 vừa qua. Thủ tướng ủng hộ quan điểm “trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực”, “không để cái gì cũng chạy đi xin”...
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành xem xét lại chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh...
Tuy nhiên, chưa có thông tin mới nào về việc thực hiện các chỉ đạo này. Trong khi đó, đây là việc phải làm ngay, vì doanh nghiệp nhà nước đang quản lý và sử dụng khối tài sản lớn, nếu tăng hiệu quả, sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ít nhất trong 5 năm tới.