Doanh nghiệp Nhà nước và những khát vọng chưa thành

Câu chuyện chưa xứng tiềm năng hay những khát vọng chưa thành của doanh nghiệp Nhà nước xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có cả những vướng mắc khi doanh nghiệp hoạt động trong chiếc áo 'doanh nghiệp Nhà nước'.

Nguồn lực nắm giữ lớn, chưa đạt kết quả như kỳ vọng

Tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 26/9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, dù doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp Nhà nước có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Toàn cảnh Tọa đàm

Toàn cảnh Tọa đàm

Đánh giá doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả hoạt động tốt nhưng Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thừa nhận, khối này hoạt động vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là tổng khối tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng của đất nước. Nguyên nhân xuất phát từ chủ quan và khách quan. Một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng.

Các nguyên nhân chủ quan khiến khối này hoạt động thiếu hiệu quả bao gồm: hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; các tập đoàn, tổng công ty chưa tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế; hệ thống quản lý, giám sát doanh nghiệp Nhà nước không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả.

Nhiều Bộ, ngành chậm trễ trong có ý kiến với các Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Tại tọa đàm để tìm hướng phát triển cho doanh nghiệp Nhà nước, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh gợi mở, thực tế, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp Nhà nước có những khát vọng chưa thành. “Vậy, cơ chế, chính sách có gì vướng mắc, cần tháo gỡ để chiếc áo “doanh nghiệp Nhà nước” phát huy hiệu quả hơn. Đó là những vấn đề mà chúng ta cần bàn đến”- ông Minh cho biết.

Đề cập đến vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn nhà nước, trong mô hình Ủy ban cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều thách thức, đang ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong đó nhiều dự án trọng điểm, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. “Có những Đề án, kế hoạch liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, ví dụ Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất, phải xin ý kiến nhiều Bộ, ngành, cơ quan chức năng. Có Bộ xin ý kiến 6 tháng, thậm chí 2 năm không có ý kiến . Hoặc chỉ cần một Bộ có ý kiến khác là lại phải quay về lấy ý kiến lại. Ví thế chúng tôi có muốn nhanh cũng khó”- ông Hùng cho hay.

Hiện, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật. Đến năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, tổng công ty đạt 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất đạt 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trong cả nước.

Nhìn thẳng vào những hạn chế, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lý giải, cùng với những tác động từ kinh tế bên ngoài, các doanh nghiệp nhà nước còn khó khăn, chậm trễ trong triển khai các hoạt động đầu tư do các quy định pháp luật chưa đồng bộ; chưa đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến chậm tiến độ trong thực hiện dự án. Năng lực nhân sự về đầu tư các dự án lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, công nghệ mới còn thiếu và yếu.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chưa nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường…

Từ những vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị, doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-va-nhung-khat-vong-chua-thanh.html