Doanh nghiệp nhận nhiều lợi ích khi thực thi ESG
Việc đầu tư ESG đòi hỏi chi phí và nỗ lực, tuy nhiên những lợi ích mà doanh nghiệp có thể nhận lại khi thực thi ESG là xứng đáng.
Bài toán tăng trưởng đối với cộng đồng doanh nghiệp, vốn chưa bao giờ dễ dàng, nay càng trở nên thách thức hơn. Đạt được mục tiêu tăng trưởng đã là thách thức lớn, song tăng trưởng phải đi đối với bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm với xã hội gắn với thực hành quản trị tốt dường như càng là vấn đề nan giải bởi đi kèm là chi phí gia tăng, các điều kiện hoạt động trở nên khắt khe và phức tạp khiến lợi nhuận giảm sút, khả năng cạnh tranh yếu hơn. Câu hỏi về sự tồn tại trong môi trường cạnh tranh đầy biến động càng trở nên hóc búa với rất nhiều doanh nghiệp.
Tại Hội thảo: "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” (ESG - Motivations and Breakthroughs Conference) do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức sáng ngày 23/5, đại diện nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ về chiến lược thực thi ESG cũng như những trăn trở trong quá trình này.
Ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Tài trợ dự án, BCG Energy cho biết, BCG Energy là một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam với công suất hiện tại khoảng gần 700 MW. Sắp tới với việc phát triển thêm điện sinh khối, sản xuất điện từ rác thải sinh hoạt…, công suất có thể nâng lên 2GW.
Chúng ta đều biết việc phát triển năng lượng hóa thạch tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường: khai thác than, dầu khí dẫn tới xói mòn đất đai, thềm lục địa…; thủy điện cũng gây nhiều biến đổi cho môi trường xung quanh…
Việt Nam đang đặt mục tiêu tiến tới Net Zero, trong quá trình này, phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu. Dự kiến, để đạt được Net Zero, năng lượng tái tạo phải chiếm tới trên 70% nguồn cung ứng điện cho xã hội.
Theo đó, BCG Energy đang đi đúng định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu bền vững.
"Về hoạt động của Công ty, cuối năm ngoái, chúng tôi đã M&A Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa – đơn vị đã được cấp phép đầu tư xử lý tồn đọng rác thải sinh hoạt, từ đó tạo ra nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang.
Trước đó, trong tháng 8/2023, chúng tôi đã ký kết hợp tác với 1 công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á. Chúng tôi muốn minh bạch lượng phát thải của Tập đoàn, các công ty thành viên, bởi việc thực thi ESG trong thực tế vận hành của doanh nghiệp tạo ra uy tín với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua việc này, chúng tôi đã thu hút được khoảng 60 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, cũng như có được niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác tại Việt Nam. Có thể nói, có nhiều lợi ích mà tập đoàn đã nhận được từ việc thực hành ESG", ông Nam chia sẻ.
Về các vấn đề còn tồn tại, ông Nam cho biết, trong quá trình làm việc với đơn vị nước ngoài, họ thể hiện sự quan tâm lớn nhưng nhận thấy còn thiếu bộ tiêu chí, cách chấm điểm cho việc áp dụng ESG.
"Theo tôi, việc áp dụng các tiêu chí có thể được kết hợp trong nhiều quy trình hiện tại, ví dụ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp có thể tích hợp tiêu chí ESG vào quyết định, hay ngân hàng có thể tích hợp tiêu chí ESG khi xem xét hồ sơ cho vay và thể hiện ngay các yêu cầu trong hồ sơ. Cần có những tiêu chí, con số cụ thể để doanh nghiệp tuân thủ, thực hiện và cũng cảm thấy được khuyến khích thực hành ESG.
Một vấn đề khác là vốn đầu tư được tiếp cận vốn như thế nào. Việc đầu tư ESG với doanh nghiệp sản xuất đôi khi cần vốn rất lớn, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường… Thực tế, khi đầu tư xanh thì chi phí lớn, lợi nhuận tính toán trước khi đầu tư không được như kỳ vọng, hiệu quả đầu tư có thể bị ảnh hưởng. Theo đó, khi doanh nghiệp lựa chọn công nghệ xanh sạch, thực hành các tiêu chuẩn môi trường cao hơn thì mong muốn nhận được sự hỗ trợ như ưu đãi về đất, thuế…
Tiến tới Net Zero là hành trình cần sự đồng hành của nhiều bên. Rất mong cơ quan nhà nước đồng hành trong quá trình chuyển đổi. Sau đó, khi đã định hình được thị trường, doanh nghiệp chấp nhận cuộc chơi liên quan tới môi trường", ông Nam chia sẻ.