Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng môi trường kinh doanh được cải thiện hơn nữa

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, Takeo Nakajima kỳ vọng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN Nhật Bản.

Ông Takeo Nakajima kỳ vọng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN Nhật Bản.

Ông Takeo Nakajima kỳ vọng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải vừa tiếp Trưởng Văn phòng Đại diện tại Hà Nội của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại trụ sở Bộ.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, kết quả cơ bản Khảo sát thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022 cho thấy, triển vọng lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2022 tỷ lệ có lãi là 59,5% (tăng 5,2 điểm so với năm trước).

Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được cho là yếu tố hàng đầu giúp doanh nghiệp Nhật Bản đạt được kết quả này.

Xét theo ngành nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo có tỷ lệ kinh doanh có lãi cao nhất, tới 61,1%, tăng 3,5% so với năm 2021; ngành phi chế tạo đạt tỷ lệ 57,6%, tăng 6,1% so với năm trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ là 20,8% (giảm 7.8 điểm), đây là những kết quả đáng khích lệ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật Bản cho biết vẫn gặp khó khăn trong việc thu mua linh kiện/nguyên vật liệu, chi phí hậu cần (logistic), giá nhân công tăng, ảnh hưởng của biến động tỷ giá…

Theo đại diện JETRO Hà Nội, thị trường Việt Nam được đánh giá có những điểm mạnh như: tính tăng trưởng của thị trường đạt 74,1% và quy mô thị trường hiện tại đạt 46,1%, đây được coi là những lợi thế hàng đầu trong môi trường kinh doanh, kỳ vọng cao vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường trong nước.

Thời gian tới, JETRO Hà Nội kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ quan tâm hơn tới việc cải thiện thủ tục hành chính và các chính sách về thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.

"Việt Nam cân nhắc mở rộng thêm các trường đào tạo nghề về các ngành công nghiệp, kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hóa nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn; hoàn thiện môi trường pháp lý để xúc tiến đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống thông tin liên quan đến môi trường đầu tư của các địa phương Việt Nam", ông Takeo Nakajima kiến nghị.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên trong năm 2022, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đạt được những kết quả kinh doanh khả quan.

Việc tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh lên đến 60% trong thời gian tới, cao nhất trong khu vực ASEAN, đây là con số đáng khích lệ đối với môi trường sản xuất kinh doanh cũng như triển vọng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.

Với những đề xuất, kiến nghị của JETRO, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản, thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp, đưa số lượng doanh nghiệp Việt làm nhà cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật gia tăng.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-ky-vong-moi-truong-kinh-doanh-duoc-cai-thien-hon-nua-d183383.html