Doanh nghiệp Nhật Bản mất hàng trăm tỉ đô la Mỹ vì nhân viên kém gắn kết

Nhật Bản nổi tiếng là nơi có văn hóa làm việc quần quật nhưng khảo sát của Gallup cho thấy, tỷ lệ người lao động 'nghỉ việc trong âm thầm', tức chỉ làm việc ở mức tối thiểu vì không cảm thấy hứng thú ở nước này lại đứng đầu thế giới. Gallup ước tính, các công ty Nhật Bản chịu thiệt hại khoảng 550 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái vì trình trạng này.

Theo khảo sát của Gallup, chỉ có 6% người lao động ở Nhật Bản cảm thấy gắn kết với công việc. Ảnh: Bloomberg

Theo khảo sát của Gallup, chỉ có 6% người lao động ở Nhật Bản cảm thấy gắn kết với công việc. Ảnh: Bloomberg

Báo cáo khảo sát Tình trạng Nơi làm việc toàn cầu của Gallup (Mỹ), công bố hôm 12-6, cho thấy, chỉ có 6 % lao động ở Nhật Bản cảm thấy gắn kết với công việc. Đây là tỷ lệ lao động gắn kết với công việc thấp nhất thế giới, ngang bằng với Hồng Kông. Khoảng 1/3 lực lượng lao động Nhật Bản đang tìm kiếm việc mới.

Tại Mỹ, 33% lao động cảm thấy gắn kết công việc. Tỷ lệ này ở Úc là 21%, ở Anh là 10% và Trung Quốc 19%. Tính chung các nền kinh tế mà Gallup khảo sát trên toàn cầu, chỉ có khoảng 23% lao động thực sự tận tâm với công việc. Hầu hết lao động trên thế giới không gắn kết (62%), tức chỉ làm việc ở mức tối thiểu và không có hứng thú với công việc hoặc chủ động không gắn kết (15%).

Dữ liệu của báo cáo trên được thu thập vào năm 2023 dựa vào khảo sát 128.278 người trưởng thành đang có công việc hơn 160 quốc gia. Khảo sát được thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại.

Trong báo cáo, Gallup chia người lao động thành ba nhóm: gắn kết, không gắn kết và chủ động không gắn kết. Những người thuộc nhóm không gắn kết được coi là đang lặng lẽ nghỉ việc. Những người chủ động không gắn kết có thái độ thù địch với chủ lao động và tìm cách gieo rắc bầu không khí tiêu cực trong tổ chức. 94% người lao động ở Nhật Bản tự nhận thuộc hai nhóm sau. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới trong cuộc khảo sát của Gallup.

Luật lao động hà khắc của Nhật Bản gây khó khăn cho việc sa thải người lao động, cùng với nỗ lực của người quản lý để giữ chân lao động vì lo ngại thiếu nhân sự là lý do khiến tỷ lệ lao động không tận tâm ở Nhật Bản ở mức cao.

Theo Heath Havey, luật sư việc làm quốc tế và Chủ tịch của Công ty tư vấn Japan Employment Solutions, các chủ sử dụng lao động ở Nhật Bản có thể không muốn nhân viên nghỉ việc vì tình trạng thiếu lao động. Giới chủ có thể đe dọa phá hoại nỗ lực tìm kiếm việc làm mới của nhân viên, kiện những người bỏ việc hoặc yêu cầu đợi cho đến khi tìm được người thay thế.

Havey, người đã tư vấn quản lý nhân sự cho các chủ lao động nước ngoài đang kinh doanh tại Nhật Bản, cho biết các nhân viên ký hợp đồng làm việc vô thời hạn ở nước này được luật bảo vệ quyền lợi rất chặt chẽ. Vì vậy, nhiều người có thể không phục tùng mệnh lệnh hoặc không làm những nhiệm vụ được giao nhưng chủ sở hữu lao động không thể làm gì khác, ngoài việc đề nghị bồi thường cho họ một số tiền lớn để họ rời công ty,

Tất cả yếu tố đo khiến tình trạng nghỉ việc trong âm thầm ở Nhật Bản không chỉ dễ hiểu mà còn là “điều không thể tránh khỏi”, Ông cũng lưu ý rằng, tình trạng này gia tăng ở Nhật Bản trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Theo Gallup, hiện tượng lặng lẽ nghỉ việc và lực lượng lao động không gắn kết với công việc có thể có tác động kinh tế đáng kể cho các công ty về lâu dài. Tổ chức này phát hiện ra rằng các công ty Nhật Bản có thể thiệt hại hơn 86 nghìn tỉ yen (550 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2023 do chi phí cơ hội của tỷ lệ lao động tận tâm với công việc thấp.

Trên toàn thế giới, mức độ gắn kết với công việc thấp gây thiệt hại ước tính 8.900 tỉ đô la vào năm 2023, tương đương 9% GDP toàn cầu. Một cuộc khảo sát của Gallup với 183.000 đơn vị kinh doanh ở 53 ngành ở 90 nước cho thấy mức độ gắn kết cao của nhân viên giúp tạo ra kết quả kinh doanh tốt hơn.

Kanika Singh, giám đốc phát triển kinh doanh khu vực của Gallup, cho rằng trong số những cách mà các công ty có thể giải quyết tình trạng không cảm thấy hạnh phúc của nhân viên là chủ động tìm kiếm phản hồi từ họ để nắm bắt tốt hơn nhu cầu và động lực của mỗi người.

Điều này đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới khi người lao động ngày càng muốn theo đuổi các con đường sự nghiệp phi truyền thống cũng như ưu tiên công việc có tính linh động cao và cân bằng tốt hơn với cuộc sống.

Theo Japan Times, CNBC

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-mat-hang-tram-ti-do-la-my-vi-nhan-vien-kem-gan-ket/