Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Việc các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tin tưởng vào triển vọng cải thiện lợi nhuận cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện tốt hơn...
Theo kết quả từ khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện, có 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Trong khi, 53,6% nói triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 sẽ có cải thiện.
Một cuộc khảo sát khác của Jetro với các công ty mẹ ở Nhật Bản còn chỉ ra sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Mỹ, hơn cả Ấn Độ, Indonesia.
Dù kinh tế năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh cải thiện vẫn đạt 53,6%, và tỷ lệ doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận chỉ là 6,9%.
Về phương hướng kinh doanh trong 1-2 năm tới, có 60% số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và chỉ 1,1% cho biết sẽ thu hẹp hoặc chuyển sang nước thứ 3. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá, thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu.
Tại Bình Dương, Panasonic Electric Works Việt Nam đang mở rộng hệ thống sản xuất và xây dựng một tòa nhà mới ngay trong nhà máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.
Ngoài việc mở rộng cơ sở sản xuất, công ty cũng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất hiện có bằng cách tích hợp với giải pháp từ nhà máy “Tsu”, nhà máy sản xuất thiết dây dẫn điện và cầu dao chủ lực tại Nhật Bản.
Việc tối ưu hóa này kì vọng sẽ giúp tăng 1.8 lần sản lượng từ mức hiện tại lên tới 150 triệu đơn vị cho thiết bị nối dây vào năm 2029. Ngoài ra, nhà máy thiết bị IAQ sẽ tăng cường cơ sở sản xuất nhằm mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất các thiết bị IAQ lên đến khoảng 3 triệu sản phẩm mỗi năm vào năm 2025, tương đương mức tăng trưởng 1.5 lần so với năm 2020 (chỉ tính riêng cho thị trường Đông Nam Á).
Cũng với định hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam, ông Tsutomu Nara - Tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, 3 năm trở lại đây, trong điều kiện bị ảnh hưởng khá mạnh bởi dịch bệnh, xung đột quân sự, tuy nhiên Ajinomoto Việt Nam vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức để cung cấp các sản phẩm chất lượng.
Hiện nay, Ajinomoto Việt Nam đang mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không chỉ cung cấp các sản phẩm thực phẩm, gia vị… đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngon miệng, dễ chế biến với giá thành hợp lý mà còn mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm có giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu về sức khỏe thể chất, tinh thần, cũng như chức năng dinh dưỡng.
Chúng tôi sẽ thúc đẩy các sản phẩm mới sử dụng công nghệ axit amin để giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe của người dân Việt Nam. Ngoài ra, thông qua sự phát triển trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, với các sản phẩm như đồ uống mang lại sức khỏe tinh thần, chúng tôi hi vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng trẻ tuổi.
Đầu năm 2022, Công ty TNHH Toto Việt Nam cũng đã tổ chức khởi công dự án nhà máy vòi rửa Toto Việt Nam. Nhà máy vòi rửa TOTO Việt Nam có tổng mức đầu tư 100 triệu USD, diện tích đất sử dụng 10 ha, dự kiến chính thức ra sản phẩm vào tháng 9/2023. Quy mô sản xuất của nhà máy 1,9 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động.
Vừa qua, công ty này cũng tiếp tục giới thiệu ra thị trường 3 dòng sản phẩm bàn cầu thông minh NEOREST mới.
Ông Asada Kyoji, Tổng giám đốc công ty TNHH TOTO Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và chúng tôi nhận thấy nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng. 3 loại bàn cầu mới ra mắt là dòng sản phẩm mang tính cách mạng, doanh nghiệp nỗ lực theo đuổi mục tiêu tạo ra một không gian phòng tắm hiện đại, sử dụng các vật liệu cao cấp, đảm bảo sản phẩm đạt tính thẩm mỹ và hài hòa với không gian.
Trước những tín hiệu tích cực từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ichkawa Hideo, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt, cho biết, từ năm 1986 Việt Nam đã đổi mới, tích cực phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hạ tầng. Đến nay, Việt Nam là thị trường hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản hàng đầu thế giới với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thông qua các hoạt động, doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã có nhiều hợp tác phát triển nền công nghiệp phụ trợ, phát triển nhân lực, đề xuất xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa ở Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt – Nhật (21/9/1973-21/9/2023) sẽ là bước ngoặt mở ra nhiều triển vọng hợp tác, khám phá những tiềm năng mới giữa hai nước.