Doanh nghiệp Nhật chinh phục người tiêu dùng Việt
Vượt lên nhiều quốc gia, Việt Nam trở thành thị trường mục tiêu lớn thứ 2, chỉ sau Trung Quốc và là điểm đến rất được doanh nghiệp Nhật quan tâm
Giới thiệu một số mặt hàng khá phổ biến với người tiêu dùng ở thành thị Việt Nam như kem, gia vị rắc cơm, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mắt thư giãn... đang được thị trường ưa chuộng, doanh thu bán hàng tăng 5% trong thời gian qua, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM, cho biết đây không phải là những mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn bán tốt trong dịch Covid-19, cho thấy thị trường Việt Nam tiêu thụ hàng Nhật nhiều hơn và tiềm năng hơn.
Từ "công xưởng" thành thị trường ưa thích
Dẫn một khảo sát doanh nghiệp (DN) tại Nhật Bản mới đây về việc phát triển kinh doanh ở nước ngoài với kết quả hơn 40% DN trả lời chọn đến Việt Nam; Việt Nam vượt qua nhiều nước, trở thành điểm đến ưa thích thứ 2 (sau Trung Quốc) của DN Nhật, ông Hirai Shinji thừa nhận văn phòng Jetro tại TP HCM thường xuyên nhận nhiều câu hỏi của DN Nhật về việc đưa hàng hóa vào Việt Nam.
Ngay trong "Japan Vietnam Festival" diễn ra vào ngày 17 và 18-4, gian hàng của Jetro ngoài sự tham gia của các nhà bán lẻ đến từ xứ sở hoa anh đào như FamilyMart, Hachi Hachi, Kamereo, Akuruhi, Logitem còn giới thiệu 80 dòng sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc… của 50 DN Nhật Bản, trong đó có đến 50% sản phẩm lần đầu tiên được mang sang "chào sân" .
Theo đánh giá của các DN Nhật, Việt Nam từ chỗ là điểm đến làm công xưởng, nhà máy đã chuyển dần thành thị trường tiêu thụ quan trọng. Nếu trước đây, 40% DN Nhật đầu tư vào Việt Nam để mở nhà máy sản xuất thì hiện nay, tỉ lệ này chỉ còn 20%. "Đang có sự dịch chuyển từ đầu tư sản xuất sang các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là thương mại. Mặc dù cơ cấu và tỉ lệ đầu tư thay đổi nhưng Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn và là thị trường được nhiều DN Nhật kỳ vọng" - người đại diện tổ chức xúc tiến thương mại Nhật khẳng định.
Thực tế, tiềm năng của thị trường Việt Nam đã được các nhà bán hàng Nhật kiểm chứng qua những số liệu cụ thể. Dù hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật sang Việt Nam nổi tiếng đắt đỏ, cao hơn mặt bằng chung so với các sản phẩm cùng chủng loại ngoại nhập khác, nhưng sức hút của hàng Nhật vẫn tăng nhanh, nhất là trong lĩnh vực ăn uống, làm đẹp.
Đơn cử ở lĩnh vực ăn uống, năm 2019, Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 thị trường nhập khẩu nông lâm thủy hải sản và thực phẩm Nhật Bản thì năm 2020 vừa qua, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5, chỉ sau những thị trường lớn Hồng Kông, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan và là thị trường có mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này cao nhất, đạt hơn 17%. "Trong tương lai, các DN Nhật sẽ có sắp xếp để xuất khẩu sang Việt Nam những sản phẩm phù hợp hơn cả về chủng loại lẫn giá cả" - ông Hirai Shinji chia sẻ.
Bán lẻ, thương mại hút vốn đầu tư
Thấy rõ xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhu cầu tiêu thụ hàng cao cấp gia tăng cùng tỉ lệ người dân có thu nhập từ khá trở lên ngày càng nhiều, các nhà kinh doanh của đất nước mặt trời mọc đang tích cực mở rộng làm ăn tại thị trường Việt. Những ngày cuối tháng 4, thị trường Việt Nam chuẩn bị đón nhận sự tham gia của 1 thành viên mới đến từ Nhật: chi nhánh của Công ty Thực phẩm Meiji chính thức đi vào hoạt động để trực tiếp khai thác cơ hội từ thị trường có số dân khoảng 100 triệu người và 1,5 triệu trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm. Ở lĩnh vực sản xuất thực phẩm, tập đoàn đa ngành Sojitz đã đạt thỏa thuận lập liên doanh với Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) để nhập khẩu, chế biến và bán các sản phẩm thịt bò ở Việt Nam.
Sôi động hơn hẳn là sự có mặt của các thương hiệu Nhật lĩnh vực bán lẻ, thời trang, ẩm thực. Các thương hiệu bán lẻ Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam như Aeon, Family Mart, MiniStop, 7-Eleven, Hachi Hachi... đã xác lập được vị thế vững chắc, hình thành nhóm khách hàng riêng. Thương hiệu Muji cũng đã góp mặt cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TP HCM (khai trương hoạt động từ tháng 11-2020) với danh mục hơn 5.000 mặt hàng; đặt mục tiêu mở thêm một số cửa hàng khác ở TP HCM và Hà Nội dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.
Đầu năm 2020, trung tâm thương mại chuyên bán hàng cao cấp nội địa Akurihi quy mô 14 tầng ngay trung tâm quận 1 đã đi vào hoạt động, chuyên bán hàng nội địa Nhật cao cấp với 90% hàng nhập và sản xuất tại Nhật. Tại đây, khá nhiều hàng hóa độc đáo của Nhật như rau, củ, quả, thủy hải sản được chuyển 100% bằng đường hàng không về Việt Nam. Cũng tại trung tâm này, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu quần áo trẻ em cao cấp Nhật - Miki House được vận hành. Theo ông Senda Hiroshi, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Miki House, nhiều du khách Việt Nam từng nhiều lần sang Nhật mua hàng của Miki House, giờ đây họ mua được những sản phẩm này ngay trong nước.
Tháng 10-2020, Matsumoto Kiyoshi - thương hiệu bán lẻ dược, mỹ phẩm với hơn 1.700 cửa hàng khắp nước Nhật - cũng chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở Vincom Center Đồng Khởi, TP HCM. Cửa hàng này bày bán nhiều sản phẩm độc quyền của Matsumoto Kiyoshi.
Gần đây nhất, tháng 3-2021, thương hiệu thời trang đình đám Nhật Bản UniQlo khai trương cửa hàng thứ 7 tại Việt Nam sau hơn 1 năm hoạt động ở Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP HCM). Theo ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám đốc UniQlo Việt Nam, việc kinh doanh tại Việt Nam vượt mức kỳ vọng, các cửa hàng UniQlo nhận được phản hồi tốt của khách hàng. Vì vậy, công ty sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược mở các cửa hàng truyền thống với diện tích lớn, đặt tại những vị trí đắc địa.
Ông Hirai Shinji đánh giá thành công bước đầu của UniQlo tại 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội càng củng cố niềm tin của các nhà kinh doanh Nhật, tạo động lực cho những DN khác tìm cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Thu nhập của người dân tăng lên là một trong những yếu tố quan trọng để DN Nhật hướng đến thị trường Việt Nam.
TP HCM là thị trường quan trọng
Ông Hirai Shinji cho rằng Việt Nam là thị trường duy nhất mà các hội viên Hiệp hội DN Nhật gia tăng trong năm đại dịch Covid-19 2020. DN Nhật đặc biệt quan tâm thị trường TP HCM. Hiệp hội DN Nhật lập hẳn 1 chi hội tại TP HCM với 1.060 hội viên. Tính từ năm 2018 đến 2019, TP HCM là nơi có nhiều DN Nhật Bản đầu tư nhất so với các tỉnh, thành khác.
"Các DN bán lẻ lớn như UniQlo, Muji, dược phẩm như Matsumoto Kiyoshi đều đã mở cửa hàng thể hiện rõ sự quan tâm của ngành bán lẻ Nhật đối với thị trường lớn là TP HCM" - ông Hirai Shinji dẫn chứng và nói thêm, vấn đề của TP là cần giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Cụ thể, TP HCM là 1 đô thị lớn, nếu để nguyên như hiện nay vẫn sẽ phát triển; tuy nhiên để có thể trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển tốt thì phải kết nối với các tỉnh lân cận, cụ thể là cải thiện hạ tầng giao thông với các tỉnh.
"TP vẫn là điểm đến được quan tâm nhưng DN bắt đầu tìm đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bình Phước cho thấy kết nối với các tỉnh quan trọng thế nào. Chúng tôi đi từ TP HCM xuống Cà Mau mất 6,5 giờ, đi Vĩnh Long mất hơn 2 giờ… trong tương lai nếu thời gian di chuyển rút ngắn hơn thì cơ hội thu hút đầu tư sẽ gia tăng đáng kể" - người đứng đầu Jetro tại TP HCM nhận định.