Doanh nghiệp Nhật tìm kiếm đối tác tại triển lãm về công nghiệp hỗ trợ
Hơn 200 nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, chế tạo máy móc đến từ 20 quốc gia đã tham dự triển lãm kép về công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phụ tùng Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội.
Ngày 9/8 đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm kép gồm “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” (VME) lần thứ 14 tại Hà Nội.
Triển lãm có sự góp mặt của hơn 200 nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia, với nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.
Triển lãm lần này đem đến những cơ hội kết nối, hợp tác tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, học hỏi những xu thế mới của thị trường, những thành tựu mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp những đối tác tiềm năng từ Nhật Bản và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trải qua 10 kỳ triển lãm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời cũng có hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản tìm được đối tác là các nhà sản xuất Việt Nam, hàng chục nghìn lượt khách là các công ty Việt Nam và công ty nước ngoài tham quan, tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước tăng trưởng trong những năm qua và những dự án đầu tư của Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm đến thị trường Việt Nam.
Về phía Nhật Bản, ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản nhận định, những năm qua, Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp sản xuất chế tạo. Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành một cơ sở sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản xuất ô tô trong khu vực. Đồng thời, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam, một trong những mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Để nắm bắt thời cơ này, theo ông Watanabe, Việt Nam cần củng cổ vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm hướng tới cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện ổn định cho các thị trường. Từ đó, tăng cường linh hoạt nguồn cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chế tạo trong nước ngày càng phát triển.
Do đó, ông Watanabe hi vọng triển lãm lần này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh mới giữa bên mua là các doanh nghiệp Nhật Bản và bên bán là doanh nghiệp Việt Nam.
Nói riêng về Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 10, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, triển lãm có 50 doanh nghiệp tham gia trưng bày gian hàng, trong đó có 22 công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa và 28 công ty Việt Nam mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội
Là một doanh nghiệp Việt Nam, có 12 năm kinh nghiệm cung cấp dây chuyền đóng gói tự động và công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, ông Nguyễn Văn Đức, phụ trách kinh doanh về tự động hóa của Intech Group cho biết, thông qua triển lãm này, Intech rất mong muốn đưa thương hiệu của mình đến với các khách hàng quốc tế, đặc biệt là khách hàng Nhật Bản.
Đến nay, Intech đã cung cấp các sản phẩm cho các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu và cả một vài khách hàng ở Mexico. Riêng với đối tác Nhật Bản, hiện nay công ty cung cấp hai dòng sản phẩm chính, là các sản phẩm về tự động hóa như hệ thống băng chuyền, băng tải, hệ thống tự động phân loại sản phẩm, hệ thống kho bãi; và cung cấp các sản phẩm cơ khí chính xác.
Theo đại diện Intech Group, khi hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, điều thuận lợi là các doanh nghiệp Nhật Bản thông thường đều có rất nhiều nhà máy tại Việt Nam, đồng thời, hai nước đều nằm trong khối văn hóa Á Đông nói chung nên sẽ có thể giảm được sự khác biệt về văn hóa trong quá trình hợp tác.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững điều này khi hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản.
Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo).
Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% 10 năm trước lên đến 37% năm 2022. Trong con số 37% đó, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15%. Con số này thấp hơn các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia.
Ông Takeo Nakajima đánh giá, tiềm năng tăng trưởng về mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn.