Doanh nghiệp nhỏ chới với khi kinh tế Trung Quốc trì trệ

Các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đang cắt giảm nhân sự, vật lộn trả nợ và thấp thỏm về tương lai. Tình cảnh khó khăn của họ vẽ nên một bức tranh ảm đạm về sự phục hồi kinh tế chậm chạp của đất nước.

Công nhân làm việc ở một nhà máy giày tại thành phố Ôn Châu, Trung Quốc. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc vẫn chịu áp lực do nhu cầu vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây Ảnh: Global Post

Công nhân làm việc ở một nhà máy giày tại thành phố Ôn Châu, Trung Quốc. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp khác ở Trung Quốc vẫn chịu áp lực do nhu cầu vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây Ảnh: Global Post

Sa thải lao động khi đơn hàng giảm

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào cuối năm 2018, họ sử dụng khoảng 233 triệu lao động. Nhưng dữ liệu chính thức gần đây từ các ngân hàng và các cuộc phỏng vấn với các chủ doanh nghiệp nhỏ cho thấy nhiều công ty trong số này đang trong tình cảnh bí bách.

Ji Shaofeng, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu tín dụng nhỏ và vi mô Trung Quốc, nói: “Vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện nay là duy trì sự sống còn”.

Cơn bĩ cực các doanh nghiệp nhỏ cho thấy rõ Trung Quốc còn một chặng đường dài nữa để phục hồi hoàn toàn sau một loạt lệnh phong tỏa giáng đòn lên hoạt động kinh doanh của họ trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách “zero Covid” vào cuối năm ngoái, nhiều nhà kinh tế đã kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ nhưng rốt cục, điều này chưa xuất hiện. Chi tiêu tiêu dùng, đơn đặt hàng nhà máy và xuất khẩu suy yếu là một trong nhiều chỉ số cho thấy dấu hiệu phục hồi đang mất đà.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng hàng (PMI) ở nhóm doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc hiện ở mức 47,9 điểm. Chỉ số dưới 50 cho thấy hoạt động kinh doanh đang chậm lại.

Scott Yang, một người kinh doanh rượu và trà ở thành phố Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang giàu có của Trung Quốc, cho biết nhiều chủ doanh nghiệp địa phương đang sa thải nhân viên và cắt giảm chi phí để ứng phó với tình hình sụt giảm đơn hàng của nhà máy.

Các doanh nghiệp nhỏ bắt đầu tuyển thêm lao động vào cuối quí đầu tiên khi họ còn lạc quan về đà phục hồi kinh tế. Nhưng một chỉ số phụ của PMI cho thấy việc làm tại các doanh nghiệp nhỏ là 48,7 điểm trong tháng 5, có nghĩa là họ đang cắt giảm nhân sự hoặc không tuyển dụng thay thế cho những người nghỉ việc.

Huang Yiwen, người bán đồ nội thất trực tuyến ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, chứng kiến công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường bất động sản suy yếu vì người mua nhà mới là nguồn cầu đáng tin cậy cho các nhà sản xuất đồ nội thất. Doanh số bán nhà hàng năm của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm vào năm 2022, sau cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản dẫn đến việc một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc vỡ nợ.

Theo một cuộc khảo sát mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc thực hiện, có ít hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động hết công suất.

Thiếu việc làm nếu doanh nghiệp nhỏ không phục hồi

Các nhà kinh tế cảnh báo các vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ đang đối mặt không thể tách rời khỏi nền kinh tế rộng lớn hơn. Vì doanh nghiệp nhỏ là một nguồn tạo việc làm quan trọng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tình cảnh chật vật của họ phản ánh, và có thể làm trầm trọng thêm, những căng thẳng kinh tế rộng lớn hơn.

“Nếu các nghiệp vừa và nhỏ không phục hồi, khu vực thành thị sẽ khó tạo đủ việc làm và thu nhập. Điều này sẽ tác động đáng kể đến các gia đình có thu nhập thấp và trung bình”, Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), cảnh báo.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục mới trong tháng 5.

Lo lắng về nền kinh tế, giới lãnh đạo Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một loạt động thái nhằm kích thích tăng trưởng, có thể bao gồm hàng tỉ đô la chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định trong lĩnh vực bất động sản.

Cho đến nay, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ chủ yếu tập trung vào việc giúp họ dễ dàng vay tiền từ ngân hàng hơn. Nhưng điều này chỉ mang lại sự thành công hạn chế.

Kể từ đầu năm 2020, các cơ quan quản lý Trung Quốc thúc đẩy các ngân hàng và tổ chức tài chính khác gia hạn các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại trong đại dịch. Ở một số vùng của đất nước, các chi nhánh địa phương của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bằng cách thành lập các nhóm tư vấn liên quan đến vay vốn, cũng như đến thăm các nhà máy và trang trại để đánh giá nhu cầu của họ. Chính phủ Trung Quốc cũng cung cấp các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu khác như miễn thuế và giảm tiền thuê nhà tạm thời.

Nợ quá hạn gia tăng

Tổng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã tăng lên, đạt mức tương đương 9 nghìn tỉ đô la Mỹ vào cuối tháng 3, theo dữ liệu của Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc không muốn vay vốn mới trừ khi khoản vay này giúp họ thanh toán các khoản nợ trước đó. Scott Yang cho biết dù nguồn tài chính tương đối rẻ và dễ tìm, nhưng hầu hết doanh nghiệp địa phương mà ông biết chỉ vay để duy trì hoạt động chứ không phải để mở rộng.

Tháng trước, Lufax, một nền tảng cho vay trực tuyến của Trung Quốc chuyên phục vụ các chủ doanh nghiệp nhỏ, cho biết tính đến cuối tháng 3, khoảng 5,7% tổng số khoản vay thực hiện qua nền tảng này đã quá hạn thanh toán hơn 30 ngày. Tỷ lệ nợ quá hạn ở nền tảng này đã tăng trong 6 quí liên tiếp.

MYbank, một công ty cho vay trực tuyến phục vụ doanh nghiệp nhỏ, cũng cho biết trong báo cáo thường niên mới nhất rằng số dư các khoản vay quá hạn hơn 30 ngày tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái. MYbank cho rằng tác động của đại dịch và sức tiêu thụ yếu vào năm ngoái khiến nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đối mặt với áp lực liên tục.

Theo Jay Guo, Hiệu trưởng Viện Sáng tạo chuỗi cung ứng Trung Quốc Ninh Ba, các ngân hàng Trung Quốc đã cho phép một số doanh nghiệp nhỏ gia hạn các khoản vay của họ. Tuy nhiên, nếu những doanh nghiệp nhỏ này không thể trả nợ trong tương lai thì cuối cùng các khoản vay đó sẽ trở thành nợ xấu.

“Vệc gia hạn trả nợ cho các khoản vay chỉ có ý nghĩa nếu nền kinh tế phục hồi và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bán hàng hóa của họ”, ông nói.

Ji Shaofeng, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu tín dụng nhỏ và vi mô Trung Quốc, ghi nhận trong khi một số lĩnh vực như du lịch và ăn uống đã hồi phục trong vài tháng qua, doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp khác vẫn chịu áp lực do nhu cầu vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây.

Xiangrong Yu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại ngân hàng Citigroup, cho rằng doanh nghiệp nhỏ đang trở thành nạn nhân của một vòng xoáy luẩn quẩn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế rộng lớn hơn. Ông nói: “Hoạt động kém hiệu quả của một số công ty tư nhân đang dẫn đến sự mất niềm tin và điều này lại khiến họ khó hoạt động tốt hơn. Thiếu tự tin vừa là triệu chứng vừa là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề”.

Theo WSJ

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nho-choi-voi-khi-kinh-te-trung-quoc-tri-tre/