Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần thêm những chính sách trợ lực

Chưa bao giờ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu không sớm có sự trợ lực, khối DN này rất dễ đi vào nguy cơ đổ vỡ và trở thành lực cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Gặp rất nhiều khó khăn

Khánh Hòa hiện có khoảng 15.000 DN hoạt động, đa phần là DNNVV. Từ đầu năm đến nay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có 3 thách thức lớn gồm: Thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang.

Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Khánh Hòa cho biết, khó khăn lớn nhất đối với DN là sự sụt giảm và đứt gãy đơn hàng đang trầm trọng hơn cả thời đỉnh dịch Covid-19. DN còn phải đối diện với các vấn đề cạnh tranh về giá xuống đáy, chi phí đầu vào tăng, lãi suất vay cao, cụ thể: Lượng đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ cả nước nói chung giảm 20 - 50%. Tại Khánh Hòa, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại, dịch vụ thì đơn hàng xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ giảm mạnh từ 30 đến 70%. Thậm chí, một số DN lớn của tỉnh phản ánh, trong gần 8 tháng, đơn hàng xuất khẩu ngành dệt may và thủy sản giảm từ 50 đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng các tháng cuối năm chưa có dấu hiệu phục hồi. DN phải cố gồng gánh, xoay xở để duy trì việc làm cho người lao động; DN khó tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn vay lãi suất thấp, chính sách ưu đãi...

Ông Nguyễn Quang Duy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, Tổng Giám đốc D&T Group cũng nhìn nhận, các DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn, cộng đồng DN suy giảm mạnh. Dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ các DN sản xuất để tạo điều kiện chuẩn bị cho việc sản xuất vào các tháng cuối năm, song với tình hình hiện tại, DN vẫn luôn ở thế bị động và chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Tháo gỡ nút thắt vốn và thị trường

Theo ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay hỗ trợ lãi suất đối với 15 DN với dư nợ 443,52 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ lãi suất với 23 tỷ đồng cho DN… 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giảm 66,1 tỷ đồng tiền thuê đất, thuê mặt nước; giảm 310 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân đối với các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khoảng 270 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang.

Tuy nhiên, theo các DN, trong bối cảnh hiện nay, các DNNVV cần nhiều hơn những chính sách trợ lực từ chính quyền cũng như các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước nên có giải pháp giãn nợ, cơ cấu nợ nhằm giúp DN duy trì hoạt động và vượt qua khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội cần mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện để hỗ trợ cho DN vay lãi suất thấp phục vụ trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Giám đốc Sản xuất - Kỹ thuật Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang kiến nghị, Nhà nước nên nới lỏng chính sách ưu đãi vay vốn ngân hàng với DN sản xuất; đồng thời có chính sách giãn thuế, giảm thuế, đặc biệt là thuế thu nhập DN. Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao và duy trì mức giá cao kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào, vì vậy Chính phủ cũng nên xem xét có những chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Cùng với đó, đa phần các DN cho rằng, thời gian tới, UBND tỉnh nên tiếp tục xem xét để đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng DN. Trong đó, cần phân loại các tiêu chí để các gói hỗ trợ được hiệu quả hơn. Ngoài việc giải quyết vấn đề về vốn, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng cần thiết. Sở Công Thương cùng các sở, ngành liên quan nên hỗ trợ nhiều hơn cho DN trong việc tìm kiếm thị trường; làm đầu mối, tạo nên sự liên kết giữa các DN trong tỉnh, trong khu vực để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Dự báo khó khăn sẽ còn kéo dài

Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, khả năng trong năm 2023 và 2024, tình hình kinh tế chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng của các DN bởi hiện nay tình hình lạm phát của các nước trên thế giới vẫn ở mức cao, giá xăng dầu và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Chính vì vậy, giai đoạn này, DN Khánh Hòa cần bảo toàn nguồn vốn; cắt giảm chi phí tối đa; thanh lý nhanh những khoản đầu tư trung - dài hạn đang ngốn nhiều tiền mà không có thu nhập; chỉ giữ những khoản làm ra tiền; tăng tính thanh khoản của tài sản hiện có nhằm gia tăng sức chịu đựng cho DN. Trước mắt, các DN trong tỉnh cần liên kết để hỗ trợ nhau phát triển, nắm bắt các thông tin vi mô, vĩ mô của thế giới và trong nước liên quan đến ngành nghề, công việc của mình để có các quyết định hợp lý.

Đ.LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202308/doanh-nghiep-nho-va-vuacan-them-nhung-chinh-sach-tro-luc-2ec0406/