Doanh nghiệp niêm yết trước ngưỡng cửa nâng hạng thị trường
Ngọc Huyền
(KTSG Online) – Trải qua 23 năm phát triển, chứng khoán Việt Nam vẫn bị “chê” thiếu hàng hóa cho nhà đầu tư, chất lượng quản trị của phần lớn doanh nghiệp niêm yết chưa đáp ứng yêu cầu của khu vực, quốc tế và chưa theo kịp xu hướng chuyển đổi xanh.
Thị trường chứng khoán là một thị trường bậc cao, phức tạp và bao gồm nhiều mắt xích quan trọng. Do đó, tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực các cơ quan quản lý, mà còn cần sự thay đổi từ thành viên tham gia như tổ chức phát hành và tổ chức trung gian.
Từ câu chuyện thiếu “hàng hóa”…
Sau 23 năm hình thành phát triển, một trong những thành công lớn nhất của chứng khoán là xây dựng được “định nghĩa” với nhà đầu tư. Cụ thể, thị trường có hơn 7,4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán tính tới cuối tháng 10-2023 – theo số liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), cao hơn hàng nghìn lần thời điểm ban đầu. Thanh khoản toàn thị trường cũng liên tục tăng trưởng qua từng năm với nhiều phiên ghi nhận khối lượng giao dịch trên 1 triệu đô la Mỹ.
Số lượng sản phẩm, hệ thống hạ tầng cơ sở thị trường cũng từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ vận hành của quốc tế.
Tất cả những yếu tố trên giúp thị trường Việt Nam được hai tổ chức xếp hạng có uy tín của quốc tế (MSCI, PTSE Russells) xem xét, đánh giá và quyết định nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong tương lai gần. Điều này khiến cơ quan quản lý, nhà đầu tư, các công ty chứng khoán quan tâm nhiều hơn tới việc thị trường chứng khoán Việt Nam hút được hàng tỷ đô la vốn ngoại nếu được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Nhưng vấn đề đặt ra là “nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua gì trong bối cảnh thị trường thiếu hàng hóa mới và nhóm ngân hàng sở hữu tỷ trọng vốn hóa quá lớn?”.
Thực tế, thị trường Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO, huy động được 7,11 triệu đô la trong hơn 10 tháng của năm 2023, theo số liệu thống kê của Deloitte. Trước đó, sàn HOSE chỉ ghi nhận một mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, vốn chuyển từ UPCOM sang, trong 6 tháng đầu năm 2023. Tương tự, HNX cũng chỉ ghi nhận hai mã cổ phiếu chuyển sàn niêm yết là KSV của Tổng công ty cổ phần Khoáng sản TKV và PPT của Công ty cổ phần Petro Time.
Số lượng IPO thấp, theo Deloitte, chủ yếu do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt. Đồng thời, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023.
Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của chỉ số VnIndex kể từ nửa đầu năm 2022 đã khiến những doanh nghiệp có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để thực hiện.
Còn ông Phan Quốc Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc thiếu vắng doanh nghiệp lên sàn đến từ cả sự chủ quan lẫn khách quan. Cụ thể, kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu 3 năm gần đây.
Với thị trường chứng khoán, những cuộc “thanh lọc”, làm sạch thị trường với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm tài chính của cơ quan quản lý vô hình trung gây ảnh hưởng đến tâm lý của cả nhà đầu tư và các doanh nghiệp 2 năm gần đây.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp hiện vẫn phải ứng phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại, dù Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các Sở giao dịch chứng khoán đã tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp.
“Nhà chưa đủ ăn thì làm sao mang ra chợ bán được?”, ông Huỳnh nêu vấn đề và cho rằng tâm lý của nhà đâu tư là hoàn toàn dễ hiểu.
Bên cạnh những yếu tố trên, Chủ tịch SBS cho rằng các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải tốt, với báo cáo tài chính “sạch sẽ”, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm.
“Chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay”, ông Huỳnh đánh giá.
Còn ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty chứn khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nêu năm nguyên nhân doanh nghiệp không “mặn mà” với niêm yết, đại chúng hóa, gồm: quyền lợi và rủi ro; việc tuân thủ quy định của pháp luật; doanh nghiệp chưa nhận được tư vấn một cách đầy đủ, đáp ứng chuẩn niêm yết; TTCK biến động quá lớn nên chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn.
Không chỉ thiếu về lượng, hoạt động niêm yết mới trên hai sàn niêm yết, nhất là HOSE thời gian qua còn thiếu về chất khi “vắng bóng” những doanh nghiệp lớn. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu, nhưng vẫn chưa thực hiện vì nhiều lý do.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tôn Đông Á gửi công văn đến HOSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu vào tháng 4-2023 với lý do là tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và công ty nói riêng không khả quan; công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định.
Trước đó, phương án niêm yết cổ phiếu của công ty này đã được thông qua tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 với kế hoạch thực hiện ngay trong cùng năm.
Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) từng có kế hoạch chuyển sàn sau khi giao dịch trên sàn UPCOM khoảng 1 năm. Nhưng đến nay, sau hơn 5 năm, cổ phiếu BSR vẫn giao dịch trên UPCOM. Tới cuộc họp Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, ban lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục trình cổ đông thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu lên HOSE.
Với những doanh nghiệp Nhà nước – sở hữu nguồn lực lớn về vốn, tài sản, thị trường và nằm trong danh sách cổ phần hóa nhiều năm – như Agribank, Vinacomin – TKV, MobiFone, VNPT, SJC, Vinafood1 – thì quá trình thực hiện còn chưa rõ, dù thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), công bố tháng 7-2023, cũng thiếu vắng những “bom tấn” được giới đầu tư đặc biệt quan tâm như Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.
Với một số doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, tỷ lệ cổ phần hóa cũng rất nhấp như Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1), Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2), Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ được khoảng 1%.
Bối cảnh trên, theo ông Nguyễn Duy Linh – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), đang tạo ra nút thắt trong việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam. Trong đó, vấn đề định giá khiến hoạt động IPO của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chững lại.
… đến yêu cầu chuyển đổi xanh và quản trị bền vững
Bên cạnh vấn đề khan hiếm “hàng hóa”, các doanh nghiệp niêm yết nói riêng, cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung đang đứng trước yêu cầu đổi mới, từ hoạt động quản trị tới mô hình sản xuất – kinh doanh. Đây là kết quả tất yếu từ xu hướng chuyển đổi số, quản trị xanh, áp dụng khung quản trị tích hợp ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp) đang diễn ra trên toàn cầu.
Số liệu của Deloitte cũng cho thấy xu hướng này khi 5 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu Đông Nam Á trong 10,5 tháng đầu năm 2023 đều hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, tài nguyên và công nghiệp. Theo đó, trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu về khí hậu và thiết lập nền kinh tế trung hòa carbon, thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo với nhiều giải pháp năng lượng sạch như gió, mặt trời và địa nhiệt, cùng với những công ty cung cấp giải pháp môi trường khác, đang được đón nhận như một cách làm giảm lượng khí thải carbon.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, nhấn mạnh quản trị doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời là một loại “đơn vị tiền tệ quốc tế” để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư có trách nhiệm.
Quản trị doanh nghiệp cũng sẽ được chú trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường yêu cầu nhiều hơn về trách nhiệm của nhà đầu tư, tức không chỉ tập trung đánh giá dựa trên chỉ số tài chính, mà cần xem xét tổng quát cả khung quản trị tích hợp ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Theo bà Thanh, trong số 200 doanh nghiệp thuộc danh sách “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN” trong giải thưởng Thẻ điểm quản trị công ty khối ASEAN (ACGS) thì Việt Nam chỉ có một đại diện là Vinamilk, vì đơn vị này công bố báo cáo tài chính đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực của Việt Nam và quốc tế, báo cáo phát triển bền vững đã được chuẩn mực hóa theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Hàng năm, báo cáo này được kiểm toán bởi công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và đầy đủ.
Ngoài ra, từ thời điểm tiến hành cổ phần hóa vào năm 2003, Vinamilk đã thay đổi cách vận hành, quản trị từ doanh nghiệp Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần và sau đó là công ty niêm yết. Doanh nghiệp cũng bổ sung những nguyên tắc và chương trình hoạt động như ban hành bộ quy tắc ứng xử trong công ty, một số quy trình, quy định… trong đó có các chính sách về phát triển bền vững.
“Vinamilk có mặt trong danh sách này không phải vì quy mô vốn hóa lớn, mà là nhờ thẻ điểm quản trị. Hiểu đơn giản là một ‘đơn vị tiền tệ quốc tế’, nơi giá trị doanh nghiệp được đánh giá bởi các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế”, bà Thanh nói tại họp báo trước thềm Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 6 (AF6).
Bổ sung, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), cho biết Vinamilk là một trong những doanh nghiệp niêm yết tiên phong trong thực hành các thông lệ tiên tiến về quản trị công ty. Cụ thể, đơn vị này doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn đầu tiên chuyển đổi sang mô hình quản trị một hội đồng sau khi có quy định trong Luật Doanh nghiệp (năm 2014), tức không thành lập ban kiểm soát, mà có ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT – một mô hình được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt, kết hợp hài hòa với môi trường và văn hóa, cũng như các nhân sự cấp cao Việt Nam, cùng với tính đa dạng và quốc tế trong sở hữu vốn đã giúp Vinamilk lọt vào danh sách “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN”.
Ngoài ra, một doanh nghiệp khác là PNJ cũng tiên phong trong việc thiết lập Ủy ban Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trực thuộc HĐQT.
“Đây là những ví dụ cho sự kết hợp hài hòa giữa việc áp dụng mô hình quản trị công ty tiên tiến với những đặc thù của thị trường Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững”, ông Long nói.
Nhưng bên cạnh những điển hình tốt, chuyên gia này cho biết một trong những vấn đề các doanh nghiệp phải cải thiện là công khai, minh bạch, cam kết rõ ràng về chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, phải đưa những yếu tố về môi trường và xã hội, tích hợp trong chiến lược tổng thể của doanh nghiệp.
“Chất lượng quản trị công ty đang được cải thiện, tập trung tại các doanh nghiệp đại chúng, niêm yết có quy mô lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ chưa cho thấy nhiều nỗ lực và phân bổ nguồn lực cho việc nâng cấp quản trị công ty”, ông Long đánh giá.
Theo ông Long, quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào một doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, tiêu chí về hoạt động công bố thông tin như các nghị quyết, chính sách, quy chế hoạt động của HĐQT; tiêu chuẩn vận hành HĐQT theo thông lệ tiên tiến.
Ngoài ra, việc tích hợp ESG trong chiến lược và vận hành của HĐQT cũng sẽ được đưa ra để đánh giá. Với yếu tố môi trường, các yếu tố như: báo cáo thông tin về môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin thậm chí sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi, đánh giá các dấu chân carbon, lượng khí phát hành, hay các hoạt động tái chế… sẽ được đưa vào để đánh giá yếu tố về môi trường.
Với yếu tố xã hội, các tiêu chí liên quan đến các bên có lợi ích liên quan gồm cổ đông, nhà cung ứng, khách hàng với đội ngũ cán bộ, nhân viên và các cơ quan quản lý sẽ đụoc quan tâm.
Ngoài ra, năng lực công bố thông tin bằng tiếng Anh – một trong những tiêu chí quan trọng để MSCI và FTSE xếp hạng TTCK Việt Nam – cũng sẽ được đưa vào đánh giá.
Với bối cảnh trên, bà Hà Thu Thanh đánh giá ESG và tăng rưởng xanh không còn là trách nhiệm, mà là một yếu tố để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và phát triển trong bối cảnh mới. Do đó, đây không chỉ là câu chuyện của riêng công ty đại chúng, công ty niêm yết, mà là của chung tất cả các doanh nghiệp.
“Quản trị công ty theo hướng phát triển bền vững là một chìa khóa quan trọng để khơi nguồn tài chính xanh và tháo gỡ phần nào những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận các nguồn vốn mới”, bà Thanh nói.
Còn ông Phan Lê Thành Long kỳ vọng sự cải thiện về năng lực quản trị của mỗi một doanh nghiệp sẽ là một hạt nhân, giúp TTCK Việt Nam nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Đồng thời, hướng đến phát triển bền vững để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Chung tay phát triển thị trường
Để mở rộng quy mô hàng hóa cho TTCK, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết, theo các chuyên gia.
Ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng nên ưu tiên truyền thông rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, để những người chủ doanh ngiệp nhận thức rõ ràng về cơ hội và thách thức khi niêm yết cổ phiếu sàn chứng khoán. Tiếp đó, cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp, giúp họ hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững trong quá rình phát triển.
Còn ông Vũ Đức Tiến, mong muốn cơ quan quản lý xây dựng môi trường niêm yết thuận lợi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên TTCK.
Với các đơn vị trung gian như công ty chứng khoán, vị này mong muốn các đơn vị tích cực tư vấn, hỗ trợ, thậm chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức doanh nghiệp, mô hình quản trị, để đáp ứng các yêu cầu về niêm yết chứng khoán theo quy định pháp luật.
“Trong quá trình triển khai dịch vụ, các công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần tư vấn về thủ tục, hồ sơ niêm yết, mà cần cung cấp cho khách hàng giải pháp tái cấu trúc toàn diện, tổng thể và chuyên sâu”, ông Tiến kiến nghị.
Cũng liên quan tới vấn đề quản trị doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ tốt nhất dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam, với những nhóm nguyên tắc theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cơ quan này cùng các Sở Giao dịch Chứng khoán cũng có nhiều hoạt động phổ biến, khuyến khích hoạt động ESG trong hoạt động doanh nghiệp.
Bà Trần Anh Đào, Quyền Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), cho biết HĐQT và các thành viên hoạt động hiệu quả sẽ là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp có bệ phóng vượt qua khó khăn. Đồng thời, việc duy trì thực hành quản trị công ty tốt thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng chứng tỏ sức sống bền bỉ và giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.
“Một nghiên cứu trên 500 doanh nghiệp niêm yết thực hiện trong năm 2023 cho thấy, nhóm công ty thực hành nguyên tắc quản trị công ty tốt hơn thì sẽ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng như tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản sẽ tốt hơn. Đặc biệt, việc thực hiện các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt cũng giúp doanh nghiệp giảm rủi ro biến động giá và khả năng tăng giá trị cổ phiếu cũng tốt hơn nhóm doanh nghiệp còn lại,” bà Đào nói tại Hội nghị Cấp cao Thành viên Hội đồng quản trị năm 2023.
Còn ông Phan Lê Thành Long Để cho rằng vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý là nâng cao nhận thức của cấp lãnh đạo cao nhất về vai trò và các thông lệ thực hành quản trị công ty tiên tiến.
Vấn đề tiếp theo là xây dựng văn hóa HĐQT và văn hóa quản trị công ty, xuyên suốt từ cấp quản trị cao nhất đến các cấp bậc quản lý điều hành, một văn hóa hướng tới sự minh bạch, tuân thủ và kiến tạo giá trị vượt trên sự tuân thủ.
Cuối cùng là nỗ lực và phân bổ nguồn lực dành cho việc tiếp cận, xây dựng, cập nhật thực hành những thông lệ tiên tiến về quản trị công ty nhằm mục tiêu tạo nền tảng để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp nhận biết được kỳ vọng từ tất cả các bên có lợi ích liên quan, từ đó, các vấn đề về môi trường và xã hội được đưa vào là một phần trọng yếu trong cấu trúc quản trị công ty cũng như chiến lược phát triển bền vững”, ông Long lưu ý.