Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động ở Cà Mau bị 'treo' quyền lợi

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau nợ đóng bảo hiểm xã hội, khiến một bộ phận người lao động bị 'treo' các quyền lợi liên quan.

Nhiều người lao động gặp khó khăn vì doanh nghiệp nợ BHXH. Ảnh: Quách Mến

Nhiều người lao động gặp khó khăn vì doanh nghiệp nợ BHXH. Ảnh: Quách Mến

Người lao động khốn đốn

Anh T.V.M (ngụ xã Tân Hải, huyện Phú Tân) có hơn 1 năm làm việc tại Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản CADOVIMEX (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) - hiện hoạt động với tên gọi Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Nam Long (xã Trần Thới, huyện Cái Nước). Trong thời gian làm việc, anh M có tham gia đóng BHXH đầy đủ tại công ty.

Tuy nhiên, Công ty CADOVIMEX không đóng BHXH cho anh M tại cơ quan BHXH. Sau khi nghỉ việc ở CADOVIMEX, anh M làm việc ở một số công ty khác. Đến nay, anh M thất nghiệp, muốn chốt sổ bảo hiểm để được hưởng các quyền lợi BHXH, nhưng không thể thực hiện.

“Tôi đã nhiều lần liên hệ đại diện bộ phận hành chính Công ty Nam Long đề nghị hoàn thành việc đóng BHXH để tôi được chốt sổ BHXH. Tuy nhiên, phía công ty này cứ lần lữa, viện đủ lý do để thoái thác trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động”, anh M bức xúc nói.

Tương tự trường hợp của anh M, chị L.N.Y (ngụ xã Tân Hải, huyện Phú Tân) cũng bị Công ty CADOVIMEX nợ đóng BHXH hơn 1 năm. “Hiện, cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn, muốn rút BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống nhưng không thể rút, do doanh nghiệp còn nợ đóng BHXH. Nếu doanh nghiệp cứ dây dưa, chây ỳ thì không biết khi nào tôi mới rút được BHXH”, chị Y buồn bã nói.

Không chỉ riêng CADOVIMEX, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang nợ đóng BHXH cho người lao động với số tiền lớn.

Việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng hoặc nợ đóng BHXH khiến nhiều lao động đang rơi vào cảnh khốn đốn vì không được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, rút BHXH một lần...

“Người lao động đóng BHXH hy vọng được hưởng các chế độ khi cần thiết theo đúng quy định, nhưng doanh nghiệp lại cố tình chiếm dụng, không đóng BHXH cho người lao động ngay từ đầu thì rất tội cho người lao động.

Tôi luôn mong chờ từng ngày để được doanh nghiệp giải quyết chế độ bảo hiểm, cứ đi lại tới lui đòi mệt lắm”, bà N.T.L (Phường 6, TP Cà Mau), đang bị một doanh nghiệp nợ đóng BHXH, chia sẻ.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 31/7/2024, toàn tỉnh này có 806 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN với số tiền trên 177 tỷ đồng (lãi trên 52,4 tỷ). Việc này tác động đến 18.495 người lao động. Trong đó, có 539 doanh nghiệp chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng với số tiền trên 29,5 tỷ đồng; 267 doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền trên 147,7 tỷ đồng.

Đáng nói, có 10 doanh nghiệp nợ khó kéo dài từ nhiều năm với số tiền nợ đọng lên đến trên 106 tỷ đồng (lãi 44,7 tỷ đồng).

 Người lao động không được giải quyết các quyền lợi liên quan BHXH khi doanh nghiệp còn nợ BHXH. Ảnh: Quách Mến

Người lao động không được giải quyết các quyền lợi liên quan BHXH khi doanh nghiệp còn nợ BHXH. Ảnh: Quách Mến

Loay hoay xử lý

Ông Lê Hùng Cường - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau cho biết, dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hồi và xử lý nợ đọng BHXH, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn nghĩa vụ đóng BHXH. Thậm chí, có doanh nghiệp còn thành lập pháp nhân mới, trong khi các khoản BHXH cũ vẫn bị ‘treo’.

“Khó khăn hiện nay là chưa có chế tài để xử lý các chủ doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Số doanh nghiệp nợ đọng kéo dài là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và thế chấp tài sản vay ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng kiện hợp đồng vay thế chấp ra tòa để hoàn trả nợ ngân hàng, từ đó không có khả năng trả nợ cho người lao động.

Cơ quan thay mặt cho người lao động đứng ra khởi kiện doanh nghiệp để đòi quyền lợi là Liên đoàn Lao động, đến nay chưa có hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Lãnh đạo BHXH tỉnh Cà Mau cũng nêu một số giải pháp nhằm thu hồi nợ BHXH. Cụ thể, đối với doanh nghiệp nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, BHXH Cà Mau giao cho chuyên quản, tổ công tác gửi thông báo (2 lần) đôn đốc doanh nghiệp đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Trường hợp doanh nghiệp chưa nộp, giao trách nhiệm cho tổ công tác trực tiếp đến doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tuyên truyền, đối thoại giải thích việc vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (có biên bản làm việc).

 Một số doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau chậm đóng BHXH cho người lao động. Ảnh: Quách Mến

Một số doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau chậm đóng BHXH cho người lao động. Ảnh: Quách Mến

Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, BHXH tỉnh Cà Mau tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất; xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định đối với đơn vị. Đồng thời, cơ quan này sẽ phối hợp với thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thanh tra liên ngành các đơn vị chậm đóng.

“Với những trường hợp doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động kéo dài, BHXH Cà Mau rà soát lại việc chấp hành kết luận của các quyết định thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.

Trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo tình hình và kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì để thành lập tổ công tác liên ngành tiếp tục rà soát, xác minh làm việc trực tiếp với doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp cam kết bằng văn bản thực hiện khắc phục nộp dứt điểm số tiền BHXH, BHTN, BHYT chậm đóng.

Đối với đơn vị chưa có động thái nộp, BHXH tập hợp đầy đủ hồ sơ chuyển Công an tỉnh Cà Mau để tiếp tục làm việc và xử lý theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo BHXH tỉnh Cà Mau thông tin.

Theo ông Lê Hùng Cường, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, BHXH tỉnh Cà Mau phối hợp giải quyết cho người lao động như sau: Đối với doanh nghiệp còn đang hoạt động, người lao động đến tuổi nghỉ hưu hoặc chốt sổ hưởng chế độ BHXH có thể liên hệ với đơn vị sử dụng lao động lập danh sách đóng riêng để chốt sổ hưởng chế độ.

Đối với doanh nghiệp hoạt động với pháp nhân mới, nhưng có chuyển giao nợ BHXH, thực hiện như doanh nghiệp còn đang hoạt động. Đối với doanh nghiệp đã giải thể không chuyển tiền đóng BHXH cho cơ quan BHXH, hiện chưa có hướng dẫn để giải quyết. Nguyên tắc của BHXH có đóng có hưởng, không đóng không được hưởng chế độ (không được phép nợ).

Quách Mến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doanh-nghiep-no-bao-hiem-nguoi-lao-dong-o-ca-mau-bi-treo-quyen-loi-post699229.html