Doanh nghiệp nợ đọng thuế: Kiên quyết áp dụng biện pháp mạnh tay

Công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế đã được triển khai mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt và cần có những chế tài xử lý mạnh mẽ hơn.

Công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế đã được triển khai mạnh mẽ.

Công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế đã được triển khai mạnh mẽ.

Từ đầu năm đến nay, số lượng các doanh nghiệp (DN) nợ thuế vẫn có chiều hướng gia tăng. Riêng trên địa bàn Hà Nội, số tiền nợ thuế từ đầu năm đến hết quý III/2019 lên tới 6.412 tỷ đồng với số lượng 1.940 DN. Việc thu hồi và xử lý các DN nợ thuế hiện được các cơ quan chức năng tích cực triển khai nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Những năm gần đây, cùng với sự hội nhập và phát triển của nền kinh tế, số lượng DN thành lập mới tăng mạnh. Thống kê trong trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có 114.456 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.434.411 tỷ đồng, tăng 4,4% về số DN và tăng 28,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, cũng còn nhiều DN gặp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có 26.335 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Việc nhiều DN gặp phải khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc phải giải thể, ngừng hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thu thuế.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 10/2019, số tiền nợ thuế là 83.392 tỷ đồng, giảm 3% (tương đương 2.617 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền nợ thuế, giảm 12,3% (6.109 tỷ đồng). Tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự…) là 39.848 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ, tăng 9,8% (so với cùng kỳ năm ngoái).

Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng DN lớn nhất với gần 154.000 DN và 160.000 hộ kinh doanh, nên hoạt động thu thuế cũng gặp không ít khó khăn. Theo Cục Thuế Hà Nội, từ tháng 1 đến tháng 9/2019, Cục Thuế Hà Nội đã công khai 1.940 DN và dự án nợ thuế với tổng số tiền nợ lên tới hơn 6.412 tỷ đồng. Trong tháng 10/2019, Cục Thuế đã công khai danh sách các DN nợ thuế trên địa bàn với tổng cộng 608 đơn vị nợ thuế (công khai lần đầu và công khai lại), với số nợ lên tới 745 tỷ đồng. Trong đó, 543 DN lần đầu nợ thuế, phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp số tiền hơn 468,9 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách là CTCP kim loại màu Bắc Hà với số nợ hơn 68 tỷ đồng, kế đến là CTCP du lịch Thiên Minh nợ hơn 29 tỷ đồng… Đặc biệt, có 65 DN nợ hơn 276,2 tỷ đồng tiền thuế từ năm 2015, 2016, 2017, 2018.

Có thể thấy, tình hình nợ thuế có diễn biến phức tạp khiến công tác thu hồi nợ thuế đối với các DN đang còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi không chỉ gây gánh nặng cho ngân sách mà còn khiến các cơ quan thuế chịu nhiều sức ép. Trước tình hình đó, mới đây Bộ Tài chính đã trình Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Nghị quyết này quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành. Chính phủ cũng trình thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Trên thực tế, công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế đã được triển khai mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt và cần có những chế tài xử lý mạnh mẽ hơn.

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hồi nợ thuế, đảm bảo nhiệm vụ được giao. Đối với công tác quản lý nợ thuế, do được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là thách thức lớn, nên ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã có văn bản thông báo nhiệm vụ, giao chỉ tiêu thu nợ chi tiết tới từng phòng, chi cục thuế. Chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát nắm bắt tình hình tài chính, dòng tiền của các DN nợ thuế, nhất là những khoản nợ dưới 90 ngày để có biện pháp đôn đốc thu kịp thời. Cùng với đó là tăng cường công tác cưỡng chế nợ thuế, rà soát các trường hợp chưa cưỡng chế để thực hiện theo đúng quy định, bao gồm cả các đơn vị nợ trên 5 triệu chưa cưỡng chế.

Đối với các DN cố tình chây ì không nộp thuế, Cục Thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đọng thuế. Nhờ đó, cơ quan thuế đã thu hồi được 6.900 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào kết quả thu ngân sách. Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, từ nay đến cuối năm cơ quan sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường đôn đốc thu nợ, đối với các đơn vị có số nợ lớn kéo dài, chây ì thuế. Đồng thời tham mưu đề xuất các biện pháp cưỡng chế phù hợp.

Theo ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế), trong công tác thu hồi nợ thuế cần áp dụng nhiều biện pháp mạnh, kể cả cưỡng chế, đặc biệt tập trung vào các DN cố tình chây ì nợ thuế, tập trung thu hồi các khoản nợ đọng thuế mới phát sinh, không để phát sinh số nợ thuế mới. Hiện việc xử lý nợ đọng được Tổng cục Thuế thực hiện rất chặt chẽ, áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế. Do đó đến nay ngành Thuế đã thu được 27.667 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

D.Bùi (T/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/doanh-nghiep-no-dong-thue-kien-quyet-ap-dung-bien-phap-manh-tay-314963.html