Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng cho sản xuất sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế và ngay bản thân từng doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng phải nỗ lực tìm cách vượt qua các khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất.

Để duy trì hoạt động sản xuất, Công ty Trình Nhi đã thực hiện “3 tại chỗ” với số lượng đăng ký 40 công nhân

Để duy trì hoạt động sản xuất, Công ty Trình Nhi đã thực hiện “3 tại chỗ” với số lượng đăng ký 40 công nhân

VƯỢT KHÓ DUY TRÌ SẢN XUẤT

Là một doanh nghiệp lớn, có những đóng góp quan trọng trong việc thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn đang quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa duy trì sản xuất an toàn vừa phòng, chống dịch.

Theo ông Trương Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn, hiện công ty đã thực hiện chích ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho 124/125 lao động (1 lao động đang nghỉ thai sản chờ sanh) và tất cả các đối tác khác cùng làm việc trên một mặt bằng của đơn vị. Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện theo đúng khuyến cáo của Trung tâm CDC Lâm Đồng về việc cử 2 người đi tập huấn và hiện đã tự thực hiện lấy mẫu và test nhanh kháng nguyên COVID-19.

Trong tháng 8/2021, công ty đã tiến hành thực hiện 3 lần lấy mẫu test nhanh kháng nguyên cho 100% lao động. Các phương án vừa sản xuất, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh cũng đã được công ty hoàn thiện và gửi lên Trung tâm CDC Lâm Đồng, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh và Công ty Phát triển hạ tầng Lộc Sơn - Phú Hội. Công ty cũng đang kích hoạt phương án phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất; thực hiện tuyên truyền đến 100% người lao động và các đối tác cùng trên mặt bằng tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về 5K, các chỉ đạo của UBND tỉnh, TP Bảo Lộc về phòng, chống dịch.

Đối với hoạt động sản xuất, do nhà máy đang trong quá trình tạm ngưng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng định kỳ, công ty chỉ duy trì khoảng 20-30 lao động làm việc duy tu, bảo dưỡng máy móc thiết bị và sơn sửa hạ tầng, nhà cửa. Bên cạnh đó, công ty đang tập trung thực hiện việc giao hàng cho hết tồn kho khoảng 200.000 thùng bia lon.

Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Nông sản Trình Nhi tại Khu Công nghiệp Phú Hội, việc chủ động tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động để bảo vệ sức khỏe và ổn định hoạt động sản xuất lâu dài cũng đã được công ty thực hiện. Khi thực hiện mô hình này, công ty sẽ có được lợi ích kép, chuỗi sản xuất không bị gián đoạn, mọi hoạt động đều ở trong nhà máy, không lo lắng dịch bệnh xâm nhập.

Ông Lê Quang Thành Liêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Vào thời điểm sản xuất bình thường, công ty luôn có 86 công nhân làm việc tại xưởng. Khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” công ty đã thông báo phương án này đến công nhân, có khoảng 50% công nhân đăng ký thực hiện. Thực hiện mô hình này, toàn bộ người lao động của công ty được thực hiện test nhanh liên tục COVID-19 theo định kỳ; quản lý khép kín từ công ty, xí nghiệp đến khi về nơi ở để bảo đảm an toàn trong sản xuất. Các công nhân được bố trí làm việc, ăn, ngủ ngay tại công ty tạo thành một mô hình khép kín. Đồng thời, nơi lưu trú của công nhân cũng được công ty trang bị vật dụng sinh hoạt thiết yếu.

Theo ông Liêm, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, việc doanh nghiệp bố trí cho người lao động ăn, ở, làm việc tại chỗ là hợp lý. Tuy nhiên, để người lao động không cảm thấy nhàm chán, đơn vị sẽ tổ chức tăng ca, vừa cải thiện thu nhập trong thời gian lưu trú trong công ty, lại vừa giúp doanh nghiệp bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất.

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Theo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 52 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại 2 Khu Công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng) và Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) với 5.194 công nhân. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc kích hoạt sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” gồm: ăn, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Ông Đỗ Xuân Kiên - Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, qua triển khai việc đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có 20 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, 13 doanh nghiệp chủ động ngưng hoạt động sản xuất, 15 doanh nghiệp bị buộc yêu cầu dừng hoạt động sản xuất do không thực hiện được yêu cầu và 4 doanh nghiệp bị buộc yêu cầu dừng công trình xây dựng.

Theo ông Kiên, việc kích hoạt sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” là một biện pháp cứng rắn nhưng hết sức cần thiết để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa sản xuất, phát triển kinh tế. Để đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện “3 tại chỗ”.

“Chúng tôi sẽ có trách nhiệm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện rà soát các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền. Đồng thời, báo cáo, tham mưu, đề xuất hàng tuần lên UBND tỉnh để có phương án hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp” - ông Kiên cho hay.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/doanh-nghiep-no-luc-duy-tri-san-xuat-3076064/