Doanh nghiệp nội hay ngoại đang nắm giữ lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam?

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, xét về tổng thể, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có tiềm lực mạnh trên mọi phương diện như tài chính, nguồn nhân lực, năng lực kinh doanh, công nghệ quản lý.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Người dân mua hàng trong siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, gần đây, sự xuất hiện của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bán lẻ đã gia tăng cạnh tranh giữa doanh nghiệp, đóng góp vào hoạt động cung ứng và điều tiết cung cầu hàng hóa tại thị trường trong nước.

Hơn nữa, cũng chính bới áp lực cạnh tranh mà doanh nghiệp trong nước có thêm kinh nghiệm cũng như động lực nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và khả năng nắm bắt thị trường.

Đơn cử như việc Tập đoàn Central Retail đầu tư một khoản lớn vào thị trường bán lẻ Việt Nam không có gì lạ. Bởi lẽ, Thái Lan là một trong những nhà đầu tư lớn của Việt Nam ở mọi lĩnh vực như vật liệu xây dựng, chăn nuôi… và bán lẻ không là ngoại lệ.

Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và quy mô thị trường bán lẻ có khả năng tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại bán lẻ sẽ đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội.

Cùng đó, doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam vừa phục vụ cho các hệ thống phân phối của họ tại Việt Nam và còn thu mua để xuất khẩu đi các nước khác.

Thực tế cho thấy, các kênh bán lẻ lớn như AEON, Big C, MM Mega Market… đã không chỉ kinh doanh hàng Việt trong siêu thị của mình mà còn xuất khẩu đi các nước.

Đặc biệt, với dân số Việt Nam là 96 triệu người; trong đó, 50% là dân số trẻ, khả năng mua sắm ở cả thương mại trực tiếp và thương mại điện tử đều còn rất lớn.

Theo các chuyên gia thương mại, không chỉ có Thái Lan mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam mà nhiều kênh bán lẻ khác như AEON hay doanh nghiệp trong nước như Saigon Co.op, Wincommerce cũng mở rộng kinh doanh.

Sự cộng hưởng này góp phần làm cho sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, xét về tổng thể, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có tiềm lực mạnh trên mọi phương diện như tài chính, nguồn nhân lực, năng lực kinh doanh, công nghệ quản lý.

Đồng thời, nhận được sự hỗ trợ từ Tập đoàn mẹ hoặc từ Chính phủ, thông qua các chương trình chiến lược phát triển mạng lưới phân phối với hệ thống khép kín toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam vẫn được nắm giữ chủ yếu bởi doanh nghiệp nội địa.

Cùng đó, phân ngành bán lẻ tại siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi, 6/10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường là doanh nghiệp nội địa, chiếm tới 42% thị phần; trong đó, Wincommerce (trước đây là Vincommerce) chiếm 15,2%, Saigon Coop và Bách Hóa Xanh chiếm lần lượt 10,5%.

Những năm qua, Việt Nam đã ban hành hệ thống chính sách khá toàn diện về thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như các định hướng phát triển thị trường bán lẻ trong nước.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7 năm 2021; trong đó, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2020 – 2030 tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế FDI chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước.

Đồng thời, ngày 10/1/2023, tại Chỉ thị số 01/CTLT-BCT-CĐCT của Bộ Công Thương về tổ chức phong trào thi đua năm 2023, một trong những mục tiêu ngành công thương đặt ra là thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, nếu không có chiến lược phát triển phù hợp, doanh nghiệptrong nước có thể đối diện với nguy cơ mất thị phần, cũng như thế mạnh trên thị trường khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần tạo mối liên kết đủ mạnh để tạo ra chuỗi cung ứng bán lẻ khép kín từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến phân phối bán lẻ tới người tiêu dùng.

Việc này nhằm đảm bảo được sự liên kết chặt chẽ và linh hoạt trong toàn chuỗi cung ứng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hàng hóa, các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng và quan trọng nhất là giá bán cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chú trọng chất lượng cung ứng, hạ giá bán hàng hóa, thông qua chính sách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến, hoặc đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần chuyển đổi từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bán lẻ, các chuyên gia cho rằng bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ, việc xây dựng được các kênh bán lẻ Việt của người Việt cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cần có chính sách phát triển sản xuất sạch hơn, xanh hơn, tiến tới kinh tế tuần hoàn, nhãn mác xanh…

Các chính sách của Đức hay Trung Quốc mới đây đều tiến tới việc siết chặt chất lượng hàng hóa nên doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa để thuận lợi vào được các kênh phân phối trong và ngoài nước.

Các chuyên gia cũng chỉ ra việc hạ tầng thương mại của Việt Nam còn yếu; kho bãi, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch điện tử chưa phát triển mạnh, chi phí logistics ở mức cao, hệ thống giao thông bến cảng chưa theo kịp sự phát triển. Do đó, Chính phủ cần đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại để thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa phát triển.

Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần xây dựng thương hiệu cho bán lẻ Việt Nam thông qua những việc rất nhỏ như lời chào, chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng… Đồng thời tiến tới phát triển các chính sách bán lẻ văn minh như mua bán không chạm. Để từ đó thúc đẩy bán lẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nên vừa cạnh tranh, vừa hơp tác với doanh nghiệp nước ngoài để học tâp kinh nghiệm, công nghệ bán lẻ tiên tiến. Đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất trong nước và hệ thống phân phối Việt, tạo sức mạnh và sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp Việt Nam./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-noi-hay-ngoai-dang-nam-giu-linh-vuc-ban-le-tai-viet-nam/288295.html