Doanh nghiệp nước ngoài 'điêu đứng' ở Trung Quốc vì dịch coronaDoanh nghiệp nước ngoài 'điêu đứng' ở Trung Quốc vì dịch corona
Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra hoành hành ở Trung Quốc khiến hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài phải tạm thời đóng cửa các văn phòng, cửa hàng tại nước này, đúng vào thời điểm đáng lẽ là mùa kinh doanh tốt nhất trong năm tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Đóng cửa hàng loạt địa điểm kinh doanh
TP. Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), tâm điểm của dịch virus corona, là trung tâm kinh doanh, sản xuất và vận chuyển của nhiều doanh nghiệp toàn cầu. Đây là nơi quy tụ hơn 500 nhà máy và các cơ sở sản xuất khác, giúp thành phố này đứng ở vị trí thứ 13 về quy mô chuỗi cung ứng trong số 2.000 thành phố của Trung Quốc.
Do vậy, cơn bùng phát dịch virus corona ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp lớn của nước này và nước ngoài hoạt động ở Vũ Hán cùng các khu vực lân cận.
Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s, đang quản lý khoảng 3.000 nhà hàng ở Trung Quốc, cho biết tạm thời đóng cửa các nhà hàng ở 5 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc bao gồm Vũ Hán, Hoàng Cương, Ngạc Châu, Tiên Đào và Tiềm Giang.
Công ty Yum China Holdings đã đóng cửa hầu hết các cửa hàng thức ăn nhanh thương hiệu KFC và Pizza Hut ở tỉnh Hồ Bắc cho đến khi có thông báo mới.
Nhà phân tích Matthew DiFrisco của Công ty Guggenheim, nhận định Starbucks là chuỗi nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do virus corona trong số ba chuỗi nhà hàng lớn của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm Starbucks, McDonald’s và Domino’s Pizza.
Tính đến hôm 28-1, Starbucks đã phải đóng cửa hơn 50% trong tổng số gần 4.300 cửa hàng cà phê của công ty này. Starbucks cho biết đang tiếp tục giám sát và điều chỉnh thời gian hoạt động của tất cả cửa hàng ở Trung Quốc. Pat Grismer, Giám đốc Tài chính Starbucks, nhận định tác động của dịch virus corona sẽ phụ thuộc vào thời gian ngưng hoạt động của các cửa hàng kéo dài bao lâu.
Ít nhất 7 chuỗi khách sạn nước ngoài bao gồm The Peninsula Hotels, Shangri-La Hotels & Resorts, Hilton, Marriott International, Accor, InterContinental Hotels & Resorts và Rosewood Hotels & Resorts thông báo họ sẽ miễn phí cho những khách hủy và thay đổi đơn đặt phòng tại Trung Quốc đến ngày 8-2.
Walt Disney, công ty quản lý chuỗi công viên chủ đề lớn nhất thế giới, đã đóng cửa các khu vui chơi và nghỉ dưỡng Disneyland ở Thượng Hải và Hồng Kông.
Người phát ngôn của Công ty Fast Retailing (Nhật Bản), chủ sở hữu chuỗi thời trang Uniqlo, cho biết công ty đã tạm thời đóng cửa khoảng 100 cửa hàng tại tỉnh Hồ Bắc.
Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản cũng đóng cửa ba trung tâm khu sắm ở Vũ Hán. Người phát ngôn của tập đoàn này dự báo doanh thu của các trung tâm mua sắm và siêu thị của Aeon ở Vũ Hán sẽ giảm 50% trong thời gian dịch bệnh xảy ra.
Thương hiệu thời trang H&M (Thụy Điển) đã đóng cửa 45 cửa hàng nằm trong khu vực bị dịch bệnh ảnh hưởng. Trong khi đó, hãng nội thất Ikea đóng cửa 1 cửa hàng ở Vũ Hán từ hôm 23-1. Hãng đồng hồ Swatch (Thụy Sĩ) cũng đóng cửa 5 cửa hàng tại đây.
Yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà
Hôm 28-1, WeWork cho biết tạm thời đóng cửa 55 văn phòng ở khắp Trung Quốc và khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà. Các ngân hàng toàn cầu từ Credit Suisse cho đến Morgan Stanley yêu cầu nhân viên ở Hồng Kông làm việc ở nhà trong 2 tuần.
Facebook yêu cầu nhân viên tại các văn phòng ở Trung Quốc phải làm việc ở nhà, đồng thời dừng tất cả các chuyến công tác không cần thiết của nhân viên đến nước này.
Các nhân viên của hãng dược phẩm Novartis (Thụy Sĩ) ở Trung Quốc được lệnh phải làm việc ở nhà cho đến ngày 10-2.
Hôm 28-1, hãng mỹ phẩm Shiseido (Nhật Bản) cấm nhân viên đến Trung Quốc. Hãng điện tử LG (Hàn Quốc) cũng đưa ra lệnh cấm tương tự. Năm ngoái, 20% doanh thu của Shiseido đến từ Trung Quốc, thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng mỹ phẩm này.
Công ty cung cấp hạ tầng Internet GMO Internet (Nhật Bản) đã yêu cầu 4.000 nhân viên ở Trung Quốc phải làm việc ở nhà. Hãng xe Volkswagen (Đức) ra lệnh 3.500 nhân viên ở Bắc Kinh làm việc ở nhà trong hai tuần bắt đầu từ ngày từ 3-2.
Hai ngân hàng UBS và Goldman Sachs nằm trong số những công ty tài chính toàn cầu hạn chế nhân viên đi công tác đến Trung Quốc đại lục trong thời gian này.
Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers dừng tất cả các chuyến công tác của nhân viên đến Vũ Hán. Nissan cho biết sẽ thuê máy bay để sơ tán nhân viên người Nhật Bản và gia đình của họ khỏi Vũ Hán. Hãng xe Honda và hãng xe PSA (Pháp) cũng cho biết sẽ sơ tán nhân viên người Nhật Bản và người Pháp cùng người nhà của họ khỏi thành phố này.
Chuỗi cung ứng của Apple đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn vì dịch virus corona khi mà hầu như tất cả điện thoại iPhone đều được sản xuất bởi các nhà sản xuất gia công tại Trung Quốc.
“Gián đoạn chuỗi cung ứng là một điều đáng lo ngại nếu nhân viên của hãng sản xuất gia công điện tử Foxconn và ở các trung tâm sản xuất linh kiện khác ở Trung Quốc bị hạn chế đi lại”, nhà phân tích Dan Ives của Công ty chứng khoán Wedbush Securities, nói.
Hôm 28-1, Foxconn ra thông báo khẳng định dịch virus corona không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Foxconn vì hãng này đã sẵn sàng các biện pháp dự phòng để đáp ứng đơn hàng các sản phẩm của Apple trên toàn cầu từ iPhone cho đến iPad và Mac.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, cho biết hãng có nhà cung cấp linh kiện ở Vũ Hán nhưng đã có các phương án thay thế họ. Ông cho biết Apple đã đóng cửa một cửa hàng Apple Store ở Trung Quốc và một số đối tác bán lẻ cũng đã đóng cửa một số cửa hàng.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến sáng 29-1, có 5.974 ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 132 ca tử vong. Số ca nhiễm tăng thêm gần 1.500 ca vào hôm 28-1. Như vậy, tổng số ca nhiễm virus corona đã vượt tổng số ca nhiễm virus SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp nặng) ở Trung Quốc đại lục cách đây 17 năm với tổng cộng 5.327 ca, trong đó có 348 ca tử vong.
Theo Bloomberg, Reuters
Lê Linh