Doanh nghiệp phải hiểu rõ 'cuộc chơi' hơn nữa

Hội nhập kinh tế thế giới, tham gia vào các diễn đàn thương mại song phương, đa phương là “cuộc chơi” sòng phẳng của bất kỳ một nền kinh tế nào.

Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ảnh: Đào Lê

Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ảnh: Đào Lê

Đối với Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng, khi kinh tế phụ thuộc nhiều vào hàng hóa xuất khẩu thì việc tìm kiếm thông tin thị trường trở thành một điều tất yếu. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức thì hơn ai hết, doanh nghiệp phải tự làm chủ “cuộc chơi” của mình.

* “Lỡ nhịp” vì chậm nắm bắt thông tin

Không chỉ có thách thức từ sự cạnh tranh và việc đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà thách thức được đánh giá lớn nhất lại là từ chính bản thân các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho hay, họ bị “lỡ nhịp” do không biết bắt đầu từ đâu để có thể tận dụng được cơ hội từ hiệp định. Mặc dù được nghe thông tin từ nhiều nguồn về các hiệp định, nhưng thường doanh nghiệp gặp hai vấn đề là: không biết tiếp cận nguồn thông tin cụ thể ở đâu và làm gì để cho khách hàng miễn được thuế khi nhập khẩu. Trong khi đó, để tiếp xúc với cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải mất thời gian và vẫn thường nhận được những tập tài liệu rất dày để... tự nghiên cứu.

“Hầu hết doanh nghiệp của chúng tôi cặm cụi làm việc, còn thông tin thì chỉ biết qua báo chí. Khi có vấn đề gì với doanh nghiệp chính mình, lúc đó mới tìm hiểu. Không chuẩn bị tâm thế trước, nhiều doanh nghiệp đánh mất cơ hội làm ăn vốn tưởng như đã thuộc về mình” - ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh thừa nhận.

Trong khi đó, ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho rằng có tới 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không chỉ yếu về kỹ thuật sản xuất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thiếu các yếu tố cần thiết để hội nhập. Ngoài một số doanh nghiệp nhạy bén thì nhìn chung vẫn còn chưa thật sự sẵn sàng để nắm bắt cơ hội.

Theo ông Tạ Ngọc Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Hoài Phú Long, huyện Vĩnh Cửu, doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ thì việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa các quốc gia xuất khẩu cũng rất khốc liệt. Ở mỗi một thị trường đều có các hiệp hội sản xuất, kinh doanh gỗ và những xu hướng tiêu dùng, chính sách riêng nên nếu doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực, uy tín làm ăn thông qua những tổ chức này thì cơ hội sẽ cao hơn. “Với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới, trong tay sẽ không có gì để làm minh chứng đối với các đối tác, nguồn thông tin thị trường cũng hạn hẹp, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp không chịu nổi, bỏ cuộc vì thiếu thông tin, thiếu đối tác” - ông Hoài thừa nhận.

* Không ai có thể “làm thay”

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay, để trợ giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, VCCI đang cố gắng tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức thương mại giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn các cam kết.

Doanh nghiệp cũng có thể liên hệ trực tiếp tới VCCI để làm rõ những thắc mắc của mình. Bà Trang cũng cho rằng với mức độ cam kết sâu rộng và toàn diện, việc triển khai hiệu quả CPTPP rất cần sự vào cuộc chủ động, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, VCCI sẵn sàng phối hợp để hiệu quả triển khai các chương trình phổ biến kiến thức, đào tạo kỹ năng đạt hiệu quả hơn.

Đối với Đồng Nai, nhiều năm qua tỉnh cũng đã đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại. Bên cạnh tập hợp doanh nghiệp tham gia các hội chợ tại các nước thì tỉnh cũng tổ chức cho doanh nghiệp trong nước giao thương với khối FDI, từ đó tạo ra các cơ hội hợp tác, làm ăn. Đồng Nai cũng thường xuyên mời các chuyên gia tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do về trao đổi để doanh nghiệp nắm rõ được những thuận lợi, khó khăn của từng ngành hàng.

Tuy nhiên, sự trợ giúp từ các tổ chức và chính quyền dù đóng vai trò quan trọng, là hướng gợi mở ý tưởng song không thể “làm thay” doanh nghiệp được. Để hội nhập thành công, mỗi doanh nghiệp, hiệp hội cần có kế hoạch, chiến lược kinh doanh thích hợp, tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định mang lại. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách chủ động nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, quản trị là giải pháp bền vững không chỉ trong tận dụng cơ hội CPTPP mà còn đảm bảo sự phát triển ổn định, ứng phó hiệu quả với các thách thức khác.

“CPTPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ tạo ra những cơ hội, song có biến cơ hội đó thành kết quả hay không lại chính là từ sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Càng có khát khao, vượt qua khó khăn, chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn thì cơ hội càng nhiều hơn và không ai có thể làm thay được doanh nghiệp trong vấn đề này” - bà Trang khẳng định.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/doanh-nghiep-phai-hieu-ro-cuoc-choi-hon-nua-2978808/