Doanh nghiệp phải thông báo trước khi KOLs, KOCs phối hợp quảng cáo sản phẩm

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, việc các doanh nghiệp bán lẻ hợp tác với người có ảnh hưởng (KOLs, KOCs) tham gia vào các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng nên cần có biện pháp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày càng nhiều KOLs, KOCs phối hợp quảng cáo sản phẩm

Ngày càng nhiều KOLs, KOCs phối hợp quảng cáo sản phẩm

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, người có ảnh hưởng là khái niệm mới, được quy định trong Nghị định số 55/2024/NĐ-CP. Hiện nay, việc các doanh nghiệp bán lẻ hợp tác với người có ảnh hưởng (KOLs, KOCs) tham gia vào các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng.

“Khi sử dụng người có ảnh hưởng để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo trước, công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ dưới mọi hình thức cho người có ảnh hưởng để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo.

Ngoài lưu ý này, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng cho hay, các doanh nghiệp cần lưu ý để nâng cao hiệu quả tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Theo đó, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật năm 2023 bổ sung một số quy định mới, liên quan trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ, như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số...

Khi thực hiện giao dịch với nhóm người tiêu dùng này, các doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi đầy đủ và phù hợp đối với từng nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật có liên quan và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định doanh nghiệp cần áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương; không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán… đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng, ban hành và công khai chính sách bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, trong số các trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần lưu ý trách nhiệm về cơ chế, phương thức để thông báo và có được sự xác nhận đồng ý của người tiêu dùng về phạm vi thông tin đồng ý cung cấp và lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép doanh nghiệp thực hiện việc sử dụng thông tin để chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba hoặc sử dụng thông tin của người tiêu dùng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có tính chất thương mại khác.

V. Hằng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doanh-nghiep-phai-thong-bao-truoc-khi-kols-kocs-phoi-hop-quang-cao-san-pham-post601329.antd