Doanh nghiệp Phần Lan sẽ đầu tư các dự án công nghệ cao vào Đồng Nai
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto mới đây đã đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư để giới thiệu cho các doanh nghiệp (DN) Phần Lan. Đại sứ khẳng định, sẽ là cầu nối để DN Phần Lan đầu tư những dự án công nghệ cao vào tỉnh.
Việt Nam và Phần Lan là 2 quốc gia có nhiều nét tương đồng, sau khi thoát khỏi chiến tranh đều là nước nghèo. Tài nguyên của Phần Lan chủ yếu là nước và rừng. Phần Lan thoát khỏi khó khăn và vươn lên trở thành nước phát triển nhờ tập trung nghiên cứu về công nghệ cao để ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
* Đưa công nghệ vào sản xuất
* Đại sứ có thể chia sẻ thêm về quá trình Phần Lan thoát nghèo và trở thành nước phát triển nhờ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực?
- Tôi rất khó nói hết được những kinh nghiệm, nỗ lực của người dân Phần Lan đã trải qua trong nhiều thập niên qua để vươn lên trở thành một nước phát triển. Tuy nhiên, tôi có thể chia sẻ ngắn gọn là sau các cuộc chiến tranh, Phần Lan chịu tổn thất rất nặng nề và trở thành một nước nghèo. Do tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi nghèo nàn chỉ có rừng và nước nên đã chọn cách thoát khỏi khó khăn là tập trung nghiên cứu về công nghệ cao để ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển đô thị…
Phần Lan rất chú trọng đến việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng chuỗi liên kết từ khuyến khích chọn đề tài nghiên cứu, khi nghiên cứu thành công sẽ kết nối với DN để có thể ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, sản phẩm của Phần Lan sản xuất ra đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao vì thực hiện theo chuỗi khép kín. Thời gian đã chứng minh, khoa học công nghệ đã giúp Phần Lan trở thành nước phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao trong khu vực châu Âu và trên thế giới.
* Vậy đâu là ngành chủ lực của Phần Lan, thưa Đại sứ?
- Phần Lan tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, chế biến xuất khẩu. Từ cuối thế kỷ XIX Phần Lan bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp và châu Âu là thị trường xuất khẩu chính sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp. Dấu mốc quan trọng là năm 1995, Phần Lan gia nhập Liên minh châu Âu đã giúp nền kinh tế phát triển hơn.
* Thưa Đại sứ, hiện nay, thế mạnh lớn nhất của DN Phần Lan là những ngành nghề nào?
- Phần Lan là nước có nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ đều rất phát triển. Trên các lĩnh vực này đều được đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất kinh doanh và hướng đến một nền kinh tế xanh, kinh tế số nhằm phát triển bền vững. Do đó, DN Phần Lan có ưu thế trong nghiên cứu các thiết bị, máy móc tiên tiến, chuyển giao công nghệ cao vào trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Đặc biệt, trong 1-2 thập niên trở lại đây, để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, những DN thuộc các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm đã dần chuyển đổi sang những lĩnh vực không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Ví dụ, quê hương tôi ở phía Bắc của Phần Lan đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào nhà máy sản xuất vật liệu sinh học mới dựa vào gỗ. Du lịch là một ngành được DN Phần Lan đầu tư phát triển rất thành công.
Những năm gần đây, ngoài đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp tại Việt Nam, DN Phần Lan cũng mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Các dự án đầu tư vào Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác tại Việt Nam đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
* Đồng Nai có cơ hội đón dòng vốn chất lượng cao
* Đại sứ đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng?
- Tôi thấy Việt Nam có ưu thế là tài nguyên thiên nhiên lớn, nguồn lao động dồi dào, tham gia hội nhập sâu nhanh, chính trị ổn định, chính sách mở cửa thông thoáng. Các yếu tố đó rất thuận lợi để DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, logistics, thương mại dịch vụ.
Đồng Nai là một trong những trung tâm lớn về kinh tế của Việt Nam nên được hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào. Đặc biệt, Đồng Nai có công nghiệp rất phát triển, DN nước ngoài đầu tư vào sẽ dễ dàng liên kết trở thành đối tác của nhau. Theo tôi, Đồng Nai còn có lợi thế nổi bật là trung tâm kết nối giao thông của vùng với những khu vực xung quanh như: miền Tây, Tây nguyên, Nam Trung bộ. Thông qua các tuyến đường cao tốc, vành đai, hệ thống cảng đang được kết nối sẽ giúp cho tỉnh đón nhận được những dòng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có thể dựa vào nông nghiệp và rừng để phát triển và Phần Lan có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực này có thể chia sẻ, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cho Đồng Nai.
Hiện các DN Phần Lan mới đầu tư vào tỉnh khoảng 2 dự án trên lĩnh vực với gần 3,5 triệu USD, trong đó gồm dự án của Công ty TNHH UPM Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) và dự án Công ty TNHH Kemira Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành). Số lượng dự án trên còn quá ít so với tiềm năng của cả 2 bên. Do đó, trong thời gian tới, tôi sẽ làm cầu nối giới thiệu, kết nối cho các DN Phần Lan đến Đồng Nai tìm hiểu thực tế để sau đó có thể đầu tư vào tỉnh những dự án công nghệ cao.
* Theo Đại sứ, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã đem lại những cơ hội nào cho Việt Nam và Phần Lan?
- EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, đã đem lại nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn nước ngoài chất lượng cao vào một số lĩnh vực, đồng thời giúp DN tăng khả năng cạnh trong mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thuộc Liên minh châu Âu, vì nhiều dòng thuế suất đã, đang giảm dần về 0%. Riêng Việt Nam và Phần Lan khai thác khá tốt những cơ hội từ EVFTA đem lại và đã thúc đẩy giao thương giữa 2 nước tăng gần 60%. Theo tôi, trong những năm tới, giao thương giữa 2 quốc gia sẽ tiếp tục gia tăng và ngày càng có nhiều DN Phần Lan đến Việt Nam tìm cơ hội để hợp tác đầu tư.
* Phần Lan phát triển bền vững dựa vào trụ cột nông nghiệp và lâm nghiệp, Đồng Nai có nhiều rừng, diện tích sản xuất nông nghiệp. Theo Đại sứ thì Đồng Nai phải làm gì để có thể khai thác hết những lợi thế về nông nghiệp, lâm nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn?
- Từ hơn 20 năm trước, Phần Lan là nước đi đầu trong chương trình phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, chúng tôi áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để có sản phẩm sạch, ít gây hại cho môi trường. Hằng năm, Phần Lan khai thác từ 70-80 triệu m3 gỗ, nhưng trước khi khai thác các đơn vị, cá nhân đều phải tiến hành tìm nơi trồng rừng mới có diện tích tương đương hoặc lớn hơn để bù lại.
* Xin cảm ơn ông!
Phần Lan có diện tích tự nhiên hơn 390,9 ngàn km2, dân số là 5,6 triệu người. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 271 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người trên 49 ngàn USD/năm.
Hương Giang (thực hiện)