Doanh nghiệp phàn nàn hải quan 'đẻ' ra nhiều 'giấy phép con'

Theo báo cáo của VCCI, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị cơ quan hải quan yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định (giấy phép con), khiến thời gian làm thủ tục cũng bị kéo dài.

Doanh nghiệp phàn nàn hải quan “đẻ” ra nhiều “giấy phép con”

Vài năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục tăng. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 371,9 tỷ USD, tăng 10,6%.

Tổng thể trong năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 11,2 tỷ USD giá trị hàng hóa. Sản phẩm từ Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Dù có bước tăng trưởng mạnh mẽ, song các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn.

 Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Việt Vũ)

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Việt Vũ)

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn liên quan tới hải quan. Các khó khăn này được chia làm 3 nhóm chính.

Thứ nhất, các doanh nghiệp phản ảnh khó khăn khi tiếp cận thông tin về thủ tục hải quan.

Ông Trương Đức Trọng, đại diện VCCI cho biết: Nhiều doanh nghiệp phản ánh ngành hải quan thiếu vắng phương thức cung cấp thông tin toàn diện, thiếu vắng các điểm hỏi đáp về thương mại quốc tế.

“Doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận cơ quan chức năng hoặc tiếp cận được thì hỗ trợ thiếu hiệu quả. Thiếu vắng cơ chế đánh giá tiến độ và kế quả giải quyết sự việc”, ông Trọng nói.

Thứ hai, các doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện các thủ tục hải quan. Trong đó, doanh nghiệp lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài cũng khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

“Đây chỉ là một số khó khăn liên quan tới thủ tục hải quan, ngoài ra còn nhiều khó khăn khác như doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan và ở giai đoạn khai hải quan. Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh bị cơ quan hải quan yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định (giấy phép con), thời gian làm thủ tục cũng bị kéo dài”, ông Trọng nói.

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Việt Vũ)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Việt Vũ)

Thứ ba, doanh nghiệp gặp khó liên quan tới thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

“Theo các doanh nghiệp, trình tự thủ tục có nhiều khác biệt giữa các Bộ, ngành quản lý và loại hình hàng hóa. Doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, các hiểu và các thực hiện giữa các Bộ, ngành chưa thống nhất”, ông Trọng nhấn mạnh.

Trước những khó khăn này, VCCI kiến nghị ngành hải quan tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hải quan, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của công chức hải quan, nâng cao năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan,...”, ông Trọng nhấn mạnh.

Nhiều thủ tục phức tạp

Trong khi đó, bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hải Dương chia sẻ: Việc kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ.

Đơn cử như việc, các doanh nghiệp đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: HQ)

Ảnh minh họa. (Ảnh: HQ)

Bà Hương cho rằng, để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, các bộ ngành thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khâủthực sự chỉ qua 1 cửa đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA.

“Đặc biệt, tôi mong muốn tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, nhất là những giấy phép điều kiện không thực sự cần thiết”, bà Hương nói.

Ngoài ra, bà Hương tiết lộ, một vấn đề nổi lên bức xúc là quy định về phòng cháy chữa cháy. Do ảnh hưởng hệ lụy từ nhận thức của các doanh nghiệp trong giai đoạn cách đây từ hơn 10 năm trước, không ít các doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh có vi phạm phần nào đó, nay thực hiện quy định mới về phòng cháy chữa cháy sẽ đứng trước 2 khả năng:

"Các quy định phòng cháy chữa cháy hiện nay buộc doanh nghiệp phải xây dựng mới toàn bộ nhà xưởng, điều này sẽ rất tốn kém nên doanh nghiêp khó thực hiện, dẫn đến đóng cửa doanh nghiêp", bà Hương chia sẻ.

Vì vậy, bà Hương đề nghị Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xem xét nới lỏng trong phạm vi có thể chấp nhận được, cần có quy định về lộ trình thực hiện để doanh nghiệp vừa tổ chức sản xuất, xuất nhập khẩu, vừa khắc phục việc phòng cháy chữa cháy.

"Đồng thời UBND tỉnh và cơ quan công an xem xét có giải pháp quy định những vấn đề cần phải làm, khắc phục ngay để giảm thiểu rủi ro trong phòng cháy chữa cháy. Còn những quy định công trình thiết bị phòng cháy chữa cháy khác từng bước xây dựng, bố trí linh hoạt phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của doanh nghiêp", bà Hương nói thêm.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-phan-nan-hai-quan-de-ra-nhieu-giay-phep-con-post237511.html