Doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi xanh tăng 30%

Số lượng doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi xanh tăng mạnh trong những năm gần đây, trong đó riêng năm 2024 tăng đến 30%.

Doanh nghiệp gia tăng nhu cầu chuyển đổi xanh

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn các giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp cho biết, số lượng doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi xanh tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2024 số lượng doanh nghiệp cần được tư vấn sang mô hình chuyển đổi xanh tăng đến 30% so với năm 2023.

Số lượng doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi xanh tăng mạnh trong những năm gần đây, trong đó riêng năm 2024 tăng đến 30%. Ảnh: ST

Số lượng doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi xanh tăng mạnh trong những năm gần đây, trong đó riêng năm 2024 tăng đến 30%. Ảnh: ST

Theo bà Nguyễn Tùng Anh - Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển đổi xanh đang là yêu cầu cấp bách đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết khi nhiều quốc gia trên thế giới đặt ra những yêu cầu xanh đối với những sản phẩm nhập khẩu.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Nghị quyết nêu rõ, hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhu cầu phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn, tuy nhiên theo các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với 3 thách thức, bao gồm: Nguồn vốn để thực hiện; Nhân sự có chuyên môn và Các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp. Trong đó, thiếu nguồn vốn để thực hiện là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi xanh.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu tài chính tăng thêm để Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022-2040 lên đến 368 tỷ USD, trong đó thích ứng chiếm 4,7% GDP mỗi năm và khử Carbon chiếm 2,1%. Trong tổng số 368 tỷ USD cho giảm phát thải nhà kính, nguồn tài chính đến từ khu vực tư nhân chiếm gần 50% với 184 tỷ USD, các nguồn từ khu vực công là 130 tỷ USD, 54 tỷ USD còn lại là nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.

Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời AD Green. Ảnh: CT

Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời AD Green. Ảnh: CT

Thành lập Quỹ chuyển đổi xanh

Để giải quyết bài toán tài chính cho chuyển đổi xanh, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nên thành lập Quỹ chuyển đổi xanh, quỹ sẽ giúp khuyến khích chuyển đổi xanh sớm hơn, nhanh hơn.

Bên cạnh những thách thức về vốn, theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tiến trình chuyển đổi xanh doanh nghiệp còn đối mặt với những thách thức về thông tin, bởi chính sách xanh nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, và liên tục phát triển theo thời gian. Đặc biệt, không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng: Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện chuyển đổi xanh. Cùng với đó, phối hợp, đàm phán, đối thoại với các đối tác thương mại để trao đổi cách thức thực thi chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp. Hoàn thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... Xây dựng quy định về định giá carbon; hoàn thiện cơ sở pháp lý về phân loại xanh (“Green taxonomy”); phát triển hệ thống tài chính xanh. Thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh…

Đối với doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng cần chủ động tìm hiểu về các Thỏa thuận xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm xuất khẩu, bên cạnh đó cần tăng cường năng lực như vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị. Kiểm soát lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất. Hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường; tối ưu hóa sử dụng thiết bị, sản phẩm; tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu. Giảm chất thải phát sinh bao gồm: Tái chế chất thải thông qua xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích; thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải. Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính...

Linh Đan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-quan-tam-den-chuyen-doi-xanh-tang-30-364316.html