Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có được cho thuê tài sản gắn liền trên đất hay không?

Quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 3 Điều 202) là nội dung đang được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thiết kế 2 phương án để trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

2 phương án trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội

Cụ thể, phương án 1 quy định theo hướng: Doanh nghiệp quân đội, công an không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất trong nội bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt;

Ngược lại, phương án 2 thì quy định theo hướng: Doanh nghiệp quân đội, công an được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất do mình tạo lập; chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất trong nội bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

Khai thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất quốc phòng, an ninh

Góp ý về nội dung trên, tại phiên họp, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với phương án 2 (quy định theo hướng cho các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền trên đất).

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng, lựa chọn phương án 2 này là cơ sở pháp lý quan trọng để khai thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất quốc phòng, an ninh; vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vừa kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kiểm soát, ngăn chặn các sai phạm, tiêu cực, thất thoát và lãng phí.

Theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua bộc lộ một số vướng mắc, bất cập trong việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

"Ví dụ, hiện nay Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có các ngành nghề kinh doanh logistics, kho bãi, nếu không cho thuê tài sản gắn liền với đất làm sao doanh nghiệp hoạt động và điều này cũng gây ra lãng phí rất lớn cho nguồn lực xã hội", đại biểu nêu dẫn chứng.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng bày tỏ đồng tình với phương án 2 cho phép các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được cho thuê, thế chấp góp vốn bằng tài sản gắn liền trên đất.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, quy định như phương án 2 là cơ sở pháp lý quan trọng để khai thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất quốc phòng, an ninh, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đồng thời cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kiểm soát, ngăn chặn các sai phạm, thất thoát, lãng phí...

 Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Trọng Hải

Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, để bảo toàn đất quốc phòng, an ninh, tương tự như trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hằng năm, cần có quy định cụ thể về hạn chế quyền đối với doanh nghiệp trong trường hợp này, bởi lẽ, theo quy định của pháp luật dân sự thì việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng dẫn ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 598/BC-CP giải trình một số nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau: Việc thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp quân đội, công an. Việc quy định như tại dự thảo luật chỉ là điều kiện cần để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Điều kiện đủ để được thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất quốc phòng, an ninh còn phải tuân theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, pháp luật về hoạt động của tổ chức tín dụng, ngân hàng; tuân theo quy định về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, tuân theo quy định tại Điều lệ tổ chức hoạt động của doanh nghiệp và chế độ sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất kinh doanh xây dựng kinh tế.

Khoản 3 Điều 202 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế như sau: a) Được tổ chức, sản xuất kinh doanh theo phương án đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt; b) Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất và các lợi ích khác theo quy định của pháp luật; c) Không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; d) Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; đ) Không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; e) Không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; g) Đơn vị quân đội, công an không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất; h) Phương án 1: Chỉnh sửa điểm h theo hướng không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Doanh nghiệp quân đội, công an không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất trong nội bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt; Phương án 2: Giữ điểm h. Doanh nghiệp quân đội, công an được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất do mình tạo lập; chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất trong nội bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt; i) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

THẢO NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/doanh-nghiep-quoc-phong-an-ninh-co-duoc-cho-thue-tai-san-gan-lien-tren-dat-hay-khong-749870