Doanh nghiệp ra sao khi tỉ giá USD chao đảo?
Đối với biến động tăng giảm đột ngột về tỉ giá USD/VND trong những ngày qua, chuyên gia cho rằng có bất lợi nhưng chưa đáng ngại.
Những ngày qua, tỉ giá USD/VND chao đảo khi liên tục tăng giảm đột ngột. Đơn cử, trong tuần có phiên giá đô la tại các ngân hàng (NH) lên tới 24.140 VND/USD, tương đương tăng khoảng 1,7% so với đầu năm nhưng đến ngày 18-8, biên độ tăng chỉ còn khoảng 1%.
Doanh nghiệp xuất khẩu mừng, nhập khẩu lo
Đánh giá về mức độ biến động của tỉ giá trong vài ngày gần đây, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh Group, cho biết: “Thực tế cho thấy khi đồng USD tăng giá sẽ khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được hưởng lợi, bởi khi tỉ giá USD/VND tăng sẽ giúp doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam cũng tăng theo”.
Ông Trần Văn An, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mekong Herbals, nhận định: Phiên tỉ giá mới nhất chỉ tăng 1% so với đầu năm, mức tăng này chẳng thấm tháp gì nhưng đây cũng là dấu hiệu khởi sắc cho DN xuất khẩu.
“Nếu đúng như kỳ vọng thì tỉ giá phải tăng lên tối thiểu 2% mới giúp DN có thêm nguồn thu để bù đắp lãi vay NH, nhất là khi chúng tôi đang phải đi vay với mức lãi suất lên đến 12%/năm” - ông An cho biết.
Theo chuyên gia, áp lực tăng tỉ giá từ nay đến cuối năm sẽ không cao, bởi nhiều khả năng Fed sẽ chỉ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Ở chiều ngược lại, đại diện một DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cho rằng: Tỉ giá tăng khiến chi phí mua ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu cũng tăng theo. Ví dụ ngày 15-8, khi tỉ giá tăng gần 2% so với đầu năm, nghĩa là DN nhập khẩu 1 triệu USD thì lỗ ngay gần 400 triệu đồng, trong khi hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký với các đối tác thì không thể điều chỉnh nâng giá bán.
“Chưa kể giá USD tăng cũng khiến các khoản phí liên quan đến logistics tăng theo. Điều này đồng nghĩa với việc DN buộc phải chấp nhận “bóp” lợi nhuận để duy trì tính cạnh tranh” - vị đại diện cho hay.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng tỉ giá tăng mạnh trong những ngày gần đây đến từ yếu tố ngoại vi lẫn chính sách nội tại của nền kinh tế. Cụ thể, đồng đô la cũng mạnh dần lên so với các đồng ngoại tệ khác, hiện chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã bật lên mức cao nhất trong vòng hơn một tháng qua. Cùng với đó, NH Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, tạo dư địa để các NH thương mại giảm lãi suất cho vay. Đó cũng là lý do khiến đồng Việt Nam bị giảm giá so với USD, gây sức ép lên tỉ giá.
Có bất lợi nhưng chưa đáng ngại
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, phân tích: Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đồng đô la lên mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua nhưng tỉ giá hối đoái cũng như đồng VND vẫn ổn định.
Tỉ giá hối đoái chịu tác động bởi cung - cầu ngoại tệ. Nhu cầu ngoại tệ tăng cao trong thời gian gần đây có thể đến từ một số ngành nghề trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, điện tử, linh phụ kiện… cần mua USD để thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu. Cộng thêm với nhu cầu mua ngoại tệ để đáp ứng cho mục đích du học trước thềm năm học mới cũng góp phần gây sức ép lên tỉ giá.
“Tuy nhiên, việc tăng tỉ giá trong những ngày vừa qua chỉ mang tính thời điểm. Có thể trong năm sẽ có một vài thời điểm cung - cầu ngoại tệ chưa ăn khớp với nhau dẫn đến tỉ giá căng thẳng. Thế nhưng tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, với nguồn dự trữ ngoại hối của NH Nhà nước hoàn toàn đủ sức để giữ ổn định tỉ giá hối đoái thì tỉ giá USD/VND sẽ tăng đâu đó khoảng 2%-3%” - ông Thịnh cho biết.
Theo ông Thịnh, những DN xuất khẩu, có nguồn thu bằng ngoại tệ nên cân nhắc thời điểm tỉ giá tốt thì nên bán cho NH. Bởi nếu cứ cố “găm giữ” đến khi tỉ giá xuống thì lại lỗ.
“Về phía những DN nhập khẩu cũng nên xem xét thời điểm nào là phù hợp để mua ngoại tệ. Bởi nếu chưa đến thời điểm cần thanh toán cho đơn hàng nhưng vì lo sợ tỉ giá tăng mà mua sẽ càng làm tăng sức ép lên cầu ngoại tệ khiến đồng đô la tăng, vô hình trung cũng gây tổn thất cho DN” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia tài chính, cho biết thêm: Áp lực tăng tỉ giá từ nay đến cuối năm sẽ không cao, bởi nhiều khả năng Fed sẽ chỉ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa. Bên cạnh đó, các nước ở khu vực châu Âu; Nhật Bản, Trung Quốc đang duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ.
Từ những yếu tố trên cho thấy áp lực để điều chỉnh tỉ giá từ nay đến cuối năm là không cao nữa và không thể nào vượt quá 3% so với đầu năm. Ngoài ra, các DN xuất nhập khẩu cần theo dõi tình hình lạm phát, lãi suất để chủ động lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
“Bên cạnh đó, các DN có thể lựa chọn những biện pháp quản trị rủi ro tỉ giá để tránh những biến động khó lường của thị trường trong tương lai. Chẳng hạn, DN có thể lựa chọn những NH có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn, sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap)… Bởi đây là một trong những giải pháp vừa giúp DN giảm thiểu rủi ro tỉ giá khi giao dịch xuất nhập khẩu trong bối cảnh biến động tỉ giá, vừa giúp DN chủ động trong kế hoạch tài chính của mình” - ông Phong nhấn mạnh.•
Giá USD mỗi nơi mỗi khác
Ngày 18-8, NH Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm của đồng VND so với USD ở mức 23.946 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên ngày 17-8. Trong khi đó, tại các NH thương mại, tỉ giá USD/VND được điều chỉnh giảm sâu.
Khảo sát ngày 18-8, tại Vietcombank, giá đồng bạc xanh hiện chỉ còn mua vào ở mức 23.600 VND/USD và bán ra ở mức 23.970 VND/USD, giảm 70 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên ngày 17-8. Tương tự, Eximbank cũng giảm giá đồng bạc xanh tới 90 đồng so với chốt phiên trước, đưa giá mua - bán về mức 23.550-23.940 VND/USD.
Trên thị trường liên NH, tỉ giá VND/USD đêm 17-8 chốt phiên ở mức 23.860 VND/USD, giảm mạnh 85 đồng so với một ngày trước. Trên thị trường tự do, giá đô la cũng hạ nhiệt, dao động quanh ngưỡng 23.947-23.997 VND/USD.
Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-ra-sao-khi-ti-gia-usd-chao-dao-post747466.html