Doanh nghiệp, sản phẩm Make in Viet Nam phải vươn tầm quốc tế

Giải thưởng Make in Viet Nam sẽ đóng vai trò tiền đề, động lực vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo ra các sản phẩm Make in Viet Nam vươn tầm thế giới.

Chia sẻ tại buổi họp báo công bố, phát động Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam (Giải thưởng Make in Viet Nam) diễn ra sáng 12/7, bà Nguyễn Khánh Diệp, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings vui mừng khi trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ lần đầu trao giải thưởng cho các giải pháp, dịch vụ cung ứng ra thị trường nước ngoài.

Đây là năm đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng và cũng là sự công nhận cực kỳ có giá trị, tôn vinh khả năng đổi mới sáng tạo của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ CNTT.

Ngành dịch vụ CNTT đã và đang có những đóng góp to lớn cho ngành CNTT Việt Nam khi mỗi năm mang về nhiều tỷ USD, đóng góp vào GDP cho đất nước, mang lại hàng trăm nghìn công việc cho người Việt Nam”, bà Diệp nói.

Theo đó, nhờ ngành dịch vụ CNTT, các kỹ sư CNTT Việt Nam đã được tiếp cận với các công nghệ mới và tiên tiến nhất của nước ngoài. Cũng nhờ vậy, Việt Nam đã ươm mầm ra rất nhiều ý tưởng cũng như các nhà sáng lập, tạo nên sản phẩm đạt Giải thưởng Make in Viet Nam.

Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings đưa ra nhiều nhận định tích cực về sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings đưa ra nhiều nhận định tích cực về sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Thay mặt các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, đại diện VMO Holdings bày tỏ sự biết ơn và cảm kích với Bộ TT&TT vì đã luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện và thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực CNTT nói chung và các hoạt động cung ứng sản phẩm, giải pháp dịch vụ CNTT ra thị trường nước ngoài nói riêng.

Với nội lực sẵn có từ nguồn nhân tài công nghệ trẻ tiềm năng và những thế mạnh to lớn khi được sự quan tâm từ Chính phủ, VMO Holdings tin tưởng ngành CNTT Việt Nam có tiềm năng vô tận để trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu.

Doanh nghiệp phần mềm này cho rằng, Việt Nam đang tạo ra một cộng đồng CNTT lớn mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chứng minh được sự sáng tạo, linh hoạt và chuyên nghiệp trong việc cung cấp các giải pháp về CNTT cho các khách hàng quốc tế.

Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng phát triển về ngành dịch vụ CNTT. Ảnh: Trọng Đạt

Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng phát triển về ngành dịch vụ CNTT. Ảnh: Trọng Đạt

Đại diện VMO Holdings tin tưởng, trong tương lai sự hợp tác quốc tế sẽ còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là tiền đề để càng ngày nhiều các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đem khao khát và ước mơ của người Việt tham gia vào công cuộc khai phá thị trường nước ngoài.

Để đạt được những thành công đó, Giải thưởng Make in Viet Nam sẽ đóng vai trò quan trọng khi là tiền đề, động lực vững chắc cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, từ đó tạo ra các sản phẩm CNTT Make in Viet Nam phát triển vươn tầm thế giới.

Thực tế số liệu của Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho thấy, ngành ICT Việt Nam đã có sự phát triển ngoạn mục trong 15 năm qua, với doanh thu tăng từ 6 tỷ USD năm 2009 lên thành 148 tỷ USD năm 2020.

Việt Nam hiện có năng lực sản xuất lớn với việc cho ra đời khoảng 300 triệu thiết bị ICT mỗi năm. Các sản phẩm đều đạt chuẩn chất lượng quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu của công ty nước ngoài.

Một điểm sáng của thị trường CNTT Việt Nam là mảng xuất khẩu phần mềm vẫn duy trì tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản và Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang đặt mục tiêu doanh thu phần mềm của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-san-pham-make-in-viet-nam-phai-ra-nuoc-ngoai-vuon-tam-quoc-te-2164453.html