Doanh nghiệp sản xuất gỗ khó khăn do thiếu thị trường

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và sản xuất lâm sản cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.

Năm 2020, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ hơn 1.200 tấn giấy Trúc Bách và hơn 500 sản phẩm đồ mộc dân dụng, đồ mộc nội thất. Tuy nhiên khoảng 3 tháng nay, công ty đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản phẩm không tiêu thụ được.

Ông Nguyễn Duy Nghiệp, Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, những tháng đầu năm là thời điểm người dân tập trung khai thác nguyên liệu cây có gióng (vầu, tre luồng…) bán cho các nhà máy nên công ty phải tổ chức tăng ca, đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng đơn đặt hàng từ đối tác. Thế nhưng năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm bị ngưng trệ, cả 3 xí nghiệp sản xuất giấy của công ty đã ngừng sản xuất gần 3 tháng. Công ty cũng phải cho 70 lao động ngắn hạn nghỉ việc để giảm chi phí tiền công.

Sản phẩm giấy Trúc Bách là nguyên liệu làm vàng mã, có đặc điểm mỏng, dễ ngả màu, ẩm mốc và không để được được lâu. Toàn bộ sản phẩm do công ty sản xuất đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đơn đặt hàng của đối tác, sản phẩm chế biến ra đến đâu đều tiêu thụ ngay đến đó, hầu như không có sản phẩm tồn kho. Từ khi có dịch Covid-19, các đối tác đồng loạt hủy hoặc tạm dừng đơn hàng. Đến thời điểm hiện tại, công ty đang tồn hơn 130 tấn giấy thành phẩm, hơn 800 tấn nguyên liệu bị hỏng, tương đương gần 3 tỷ đồng.

Điều đáng nói, 3 nhà máy sản xuất giấy của công ty mới được đầu tư năm 2018 với tổng nguồn vốn khoảng 8 tỷ đồng. Các nhà máy mới đi vào hoạt động nên chưa thu hồi được vốn. Doanh thu của công ty chủ yếu từ sản xuất giấy nên khi bị đình trệ, đơn vị gặp khó khăn trong việc trả nợ vay và lãi ngân hàng, chi phí tiền lương cho người lao động tại một số bộ phận (bảo vệ, kế toán, kỹ thuật…). Ngoài ra, lao động của công ty chủ yếu là lao động ngắn hạn nên khi nghỉ việc trong thời gian dài thường tìm công việc mới, điều này dẫn đến khó khăn khi các nhà máy sản xuất trở lại.

Còn tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên, doanh thu từ bán gỗ rừng trồng, nguyên liệu tre, luồng gặp khó bởi không có thị trường tiêu thụ. Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc công ty cho biết: Với hơn 3.000 ha rừng sản xuất, trước đây trung bình mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường gần 10.000 m3 gỗ tròn. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, hầu hết khách hàng đã ngừng sản xuất, công ty không bán được nguyên liệu khiến tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, kế hoạch trồng rừng vụ xuân cũng chậm do thiếu vốn.

Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên là đơn vị sản xuất sản phẩm lâm sản lớn nhất Lào Cai. Hoạt động chủ yếu của công ty là sản xuất gỗ ép công nghiệp cao cấp, cốp-pha phủ phim và sản xuất tấm tre công nghiệp chịu nước với sản lượng bình quân 40.000 m3 sản phẩm/năm, trong đó gần 90% sản phẩm xuất khẩu. Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung nguyên liệu phụ phục vụ sản xuất khan hiếm, thị trường xuất khẩu giảm, đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên cho biết: Các sản phẩm của đơn vị chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Mỹ. Từ đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, các đối tác đều thông báo giãn thời gian mua hàng hoặc dừng hẳn khiến thị phần xuất khẩu của công ty giảm 30 - 40%, sản phẩm không bán được, giá đầu ra giảm sâu (giảm khoảng 20%) so với thời điểm trước khi có dịch. Hiện tại, công ty còn khoảng 3.500 m3 sản phẩm lưu kho chưa xuất bán được. Công ty cũng đã chủ động các phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị điều kiện bù vào những thiệt hại ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống. Trong đó, công ty đang chủ động tìm kiếm thị trường, chủ yếu xoay sang sản xuất phục vụ thị trường nội địa. Để đảm bảo thu nhập cho hơn 250 lao động, công ty cố gắng duy trì sản xuất và đưa hàng về kho. Tuy nhiên khi hàng về kho, công ty rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là vốn tín dụng, chính sách bảo hiểm, thuế…

Toàn tỉnh hiện có 302 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có 43 doanh nghiệp, hợp tác xã, còn lại là hộ kinh doanh cá thể, tiêu thụ sản phẩm gỗ của hơn 10.000 ha rừng trồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu của người tiêu dùng đang tạm dừng dẫn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị chế biến gặp khó khăn. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hoạt động khai thác, chế biến lâm sản trong quý I/2020 giảm khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước, dự tính sẽ còn giảm mạnh trong những tháng tiếp theo khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước tình trạng ứ đọng, ngưng trệ sản xuất sản phẩm gỗ do dịch bệnh, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kiến nghị các sở, ngành, UBND tỉnh sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, giãn nợ và giảm lãi suất.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/doanh-nghiep-san-xuat-go-kho-khan-do-thieu-thi-truong-z3n20200417142649846.htm