Doanh nghiệp sản xuất trông đợi thị trường Tết

Còn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2023 và cũng cận kề dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh đang khẩn trương cho việc cung ứng hàng hóa dịp cuối năm. Vừa sản xuất, vừa trông đợi các tín hiệu thị trường là tâm trạng chung của đa số DN trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Công ty CP Thực phẩm G.C (H.Trảng Bom) tham gia hội chợ Thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung . Ảnh: DN cung cấp

Công ty CP Thực phẩm G.C (H.Trảng Bom) tham gia hội chợ Thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung . Ảnh: DN cung cấp

Để có thêm đơn hàng, các DN cũng tìm đủ mọi cách, trong đó có việc tham gia tích cực các sự kiện thương mại, triển lãm, quảng bá rộng hơn thương hiệu của mình.

* Vừa sản xuất, vừa ngóng thị trường

Tại nhiều DN, thời điểm này đang tích cực chuẩn bị hàng hóa cho thị trường tết, nhưng vừa sản xuất, vừa xem động tĩnh của thị trường để cân đối lượng hàng hóa cho phù hợp, tránh bị tồn kho.

Đối với Công ty CP Bibica, trong quý III-2023 đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 427,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23,4 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý IV này, DN đặt mục tiêu doanh thu đạt 762,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 58,2 tỷ đồng và đang trông đợi vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Theo nhiều DN, tham gia các kênh thương mại, hội chợ trong giai đoạn hiện nay khá hiệu quả. Không chờ đợi khách hàng đưa mẫu, các DN chủ động tạo mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực đi tìm hiểu thị trường, gặp gỡ khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Từ đó có được các giải pháp linh hoạt để trụ vững qua thời điểm khó khăn.

Riêng Nhà máy Bibica Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) có 3 dây chuyền sản xuất kẹo thì 2 hoạt động theo công suất thiết kế, còn lại phân xưởng kẹo mềm đang thực hiện 60%. Dù là thương hiệu có uy tín song việc sản xuất cũng phải tính toán chi tiết, vừa sản xuất, vừa hồi hộp theo dõi thị trường.

Theo ông Võ Quốc Khóm, Giám đốc Nhà máy Bibica Biên Hòa, năm nay kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều DN hoạt động cầm chừng, lượng hàng nhập về các đơn vị đối tác, các cửa hàng cũng chậm hơn, buộc đơn vị phải tính toán chi li để đạt hiệu quả sản xuất nhất định.

Tương tự, một DN ngành gỗ ở Biên Hòa cho hay, tình hình xuất khẩu gỗ sang thị trường các nước Âu - Mỹ gặp nhiều khó khăn. Cũng như một số DN ngành gỗ khác, công ty đang chuyển dần sang sản xuất các mặt hàng tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, việc mong muốn là một chuyện, vấn đề còn ở thị trường trong nước vốn ổn định từ trước, nay có thêm một số lượng DN khác tung hàng ra sẽ dẫn đến sự cạnh tranh cao hơn, trong khi sức mua vẫn chưa được cải thiện. Do đó, chuyển hướng nhưng cũng phải cẩn trọng để làm sao giữ mục tiêu cao nhất là có được việc làm cho số lao động hiện hữu.

* Xúc tiến thương mại để tìm thêm đơn hàng

Xoay xở để vượt khó là bối cảnh chung hiện nay của cả nền kinh tế cũng như bản thân mỗi DN. Trong khó khăn, từng DN lại có những giải pháp của riêng mình, trong số đó thì việc tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm vẫn là giải pháp được nhiều DN thực hiện.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) Nguyễn Văn Thứ cho biết, trong quý III-2023, doanh thu của công ty đạt 131,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 343% so với cùng kỳ. Điều này chủ yếu do sản lượng xuất khẩu tăng, DN tái cơ cấu giảm chi phí sản xuất, quản lý.

Ngoài thị trường xuất khẩu, thạch dừa và nha đam của GC cũng được các "ông lớn" ngành sữa tại Việt Nam tăng mua để làm nhiều sản phẩm thức uống trái cây tốt cho sức khỏe, đẩy lượng hàng bán ra thuận lợi. Bên cạnh đó, DN cũng tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm thêm thị trường và khách hàng mới. DN vừa tham gia hội chợ Thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 tại tỉnh Quảng Ninh và hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 21 tại TP.HCM. Thông qua các hội chợ, những sản phẩm chế biến của công ty như: nha đam, thạch dừa, dưa lưới, táo sấy đã được giới thiệu rộng rãi hơn đến với khách hàng và các đối tác. Trong số đó, thạch dừa non Pura là một trong 173 sản phẩm được Bộ Công thương công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Công ty TNHH Sản xuất đầu tư bao bì Toàn Cầu (ở Khu công nghiệp Long Bình - Loteco, TP.Biên Hòa) đã tích cực tham gia các hoạt động và là một trong những nhà tài trợ của Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. Theo đại diện DN này, triển lãm đã tạo cơ hội để công ty gặp gỡ hàng trăm đơn vị khác trong ngành sản xuất lúa gạo. Từ đó, DN có cơ hội trao đổi, tìm hiểu để tạo dựng mối hợp tác giữa nhà sản xuất bao bì với nhà sản xuất, xuất khẩu gạo.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/doanh-nghiep-san-xuat-trong-doi-thi-truong-tet-76c4f98/