Doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau: Hiệu quả lớn

Phong trào các doanh nghiệp (DN), ngân hàng trong Khối DN trung ương ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau đã và đang mang lại hiệu quả lớn khi giúp hỗ trợ về vốn, công nghệ, nhân lực trong sản xuất, kinh doanh; tiêu thụ sản phẩm; giữ vững thị phần; ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Các doanh nghiệp hợp tác mua sản phẩm của nhau góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển

Các doanh nghiệp hợp tác mua sản phẩm của nhau góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển

Các chương trình ký kết nhằm ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau đã được Đảng ủy Khối DN Trung ương triển khai từ năm 2014. Không đơn thuần ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau chỉ bằng một bản ký kết, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chinh phục các đơn vị là việc làm đã được nhiều DN triển khai. Đã có trên 54.000 công trình, sáng kiến, giải pháp từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các DN trong khối, trị giá trên 600.000 tỷ đồng được áp dụng vào thực tế, làm lợi cho DN hàng nghìn tỷ đồng.

Nhờ đó, các sản phẩm trong khối ngày càng được sử dụng nhiều như: Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam hợp tác, mua than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam từ 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm; sử dụng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hàng năm đến hàng triệu kWh phục vụ sản xuất; Tập đoàn Dệt may Việt Nam liên kết, hợp tác cung cấp các sản phẩm đồng phục và bảo hộ lao động cho 8 đơn vị, trong đó, bán cho EVN 34,6 tỷ đồng; bán cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gần 6 tỷ đồng…

Một trong những hiệu quả quan trọng từ mô hình liên kết sử dụng sản phẩm của nhau là tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối đã giúp các đơn vị tranh thủ được nội lực, hỗ trợ nhau về vốn. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam dành khoảng 15,5 nghìn tỷ đồng cho vay các dự án trọng điểm quốc gia như: Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Nhiệt điện Cẩm Phả…

Đặc biệt, các đơn vị trong khối đã tích cực xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình; chú trọng phát triển các kênh phân phối, tạo thuận lợi cho sản phẩm đến với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi. Đến nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã sản xuất, cung cấp 60.000 mặt hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng phủ sóng toàn quốc; Ngân hàng Công Thương đã phát triển hệ thống mạng lưới 155 chi nhánh với hơn 1.000 phòng giao dịch trên cả nước; Tập đoàn Hóa chất đáp ứng được 40% nhu cầu phân bón DAP trong nước… Các đơn vị đã cung cấp hàng trăm nghìn sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Nhiều sản phẩm được thị trường đánh giá cao và sử dụng rộng rãi trong cả nước.

Theo đánh giá của Đảng ủy Khối các DN Trung ương, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nói chung và phong trào các DN, ngân hàng trong Khối DN Trung ương ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau nói riêng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng DN, góp phần gắn kết, thúc đẩy DN khai thác tốt thị trường nội địa. Đồng thời, sản xuất ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các phong trào này giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên các DN, ngân hàng, hình thành ý thức ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam.

Nếu như năm 2014, chỉ có 15 đơn vị ký hợp đồng nguyên tắc đăng ký sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau thì đến năm 2016, đã có 34 đơn vị tham gia ký kết triển khai chương trình này.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-su-dung-san-pham-cua-nhau-hieu-qua-lon-124631.html