Doanh nghiệp tập kết than ở Hải Dương, nhiều gia đình 'kêu cứu'

Người dân sinh sống ở khu Hạ Chiểu, phường Minh Tân, TX Kinh Môn (Hải Dương) khổ sở vì sống chung với các bến bãi tập kết than ngay sát khu dân cư.

Sống chung với... bụi than

Từ nhiều năm qua, người dân sinh sống ở tổ 2, khu Hạ Chiểu, phường Minh Tân, TX Kinh Môn, Hải Dương phải sống chung với bụi than và tiếng ồn từ khu vực bến bãi tập kết than đóng trên địa bàn.

Một góc nhỏ khu bến bãi tập kết than ở khu Hạ Chiểu, phường Minh Tân, Kinh Môn hoạt động quanh năm ngày tháng nằm ngay sát khu dân cư.

Một góc nhỏ khu bến bãi tập kết than ở khu Hạ Chiểu, phường Minh Tân, Kinh Môn hoạt động quanh năm ngày tháng nằm ngay sát khu dân cư.

Triền miên qua năm này cho tới năm khác, người dân sinh sống ở đây phải tự nhủ bắt buộc sống trong cảnh ăn, ngủ cùng với bụi than. Bao hệ lụy từ các bến bãi tập kết than nhất là vấn đề môi trường, cuộc sống các gia đình bị đảo lộn bởi các hoạt động vận chuyển, phân loại, xay nghiền than.

Toàn bộ khu vực đê sông Đá Vách đi qua địa phận khu Hạ Chiểu biến thành “lãnh địa” của các ông chủ than có tiếng trên địa bàn. Người dân địa phương liên tục phản đối không chỉ bằng đơn thư mà cả bằng hành động ngăn chặn, phản đối nhưng đâu vẫn vào đó, các bến bãi vẫn liên tục hoạt động ngày đêm và không ngừng mở rộng “lãnh địa”.

Ông T (xin được giấu tên) là một trong những hộ gia đình sinh sống ngay sát nhất khu vực bến bãi than ở tổ 2, Hạ Chiểu vô cùng bất bình cho biết: “Hoạt động bến bãi than ở khu vực này cũng gần chục năm nay, càng ngày khu vực bến bãi càng mở rộng hơn. Hành lang đê sông cũng trở thành khu tập kết than, hoạt động vận chuyển, xay nghiền than diễn ra cả ngày lẫn đêm không có ngày nào ngơi nghỉ. Bao gia đình sống xung quanh phải hứng chịu bụi và tiếng ồn vì trong quá trình nghiền trộn than, bụi than theo gió cuốn tấp hết vào nhà dân”.

Trong quá trình hoạt động, các bến bãi tập kết chế biến than không hề có biện pháp giảm thiểu bụi và tiếng ồn để tránh gây ảnh hưởng tới khu dân cư. Quanh năm ngày tháng người dân sống trong cảnh “lầm than”.

Cây cối hoa màu, nhà cửa của người dân bám phủ một lớp bụi than đen kịt

Cây cối hoa màu, nhà cửa của người dân bám phủ một lớp bụi than đen kịt

Một số hộ dân ngay sát bến bãi than phải bỏ nhà cửa đi ở khu khác

Một số hộ dân ngay sát bến bãi than phải bỏ nhà cửa đi ở khu khác

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ bến bãi tập kết than ở khu vực Hạ Chiểu chia thành hai địa phận rõ rệt. Một phần áp sát mạn đê sông Đá Vách và một phần nằm trong khu vực đất canh tác nông nghiệp của các hộ dân.

Ông T cũng cho biết rõ: “Khu vực bến bãi có hai ông chủ khác nhau. Một phần áp sát đê sông là của ông Hoan làm chủ và phần bên trong là của ông Vĩ làm chủ. Trước bến bãi chỉ nhỏ sau các ông mua đất nông nghiệp của dân để mở rộng ra. Đê sông thì bị lấn chiếm, đất nông nghiệp của dân cấy lúa cũng thành bến bãi than hết. Kinh hãi nhất là mùa đông này, trời hanh khô bụi than cứ thế tấp hẳn vào nhà dân. Nhà nào cũng phải dùng tấm lưới mắt nhỏ để che chắn nhưng không ăn thua, nhà cửa lúc nào cũng đóng kín mít. Khổ nhất là ban đêm máy móc hoạt động ầm ầm dân mất cả giấc ngủ…”.

“Hô biến” đất nông nghiệp thành bến bãi

Được biết, đơn vị trực tiếp vận hành và quản lý khu vực bến bãi tập kết than là của Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng và Công ty TNHH MTV Việt Ngân HD.

Hoạt đông của các bến bãi than, không chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống người dân bị đảo lộn mà còn gây ảnh hưởng đến sinh kế của các gia đình nhất là hoạt động canh tác nông nghiệp.

Nhắc đến hệ lụy của các bến bãi than ở khu Hạ Chiểu, bà X là một trong những hộ canh tác nông nghiệp còn trụ được lại ở làng bất bình nói: “Cây ăn quả, hoa màu của dân gần khu vực bến bãi than gần như không năng suất, lá cây lúc nào cũng bám đầy bụi than thử hỏi cây có sống được để mà bói quả. Ruộng đồng bà con gần bến bãi than đa phần dân bỏ hết không cấy vì cấy cũng không ăn thua, chỉ còn lại mấy hộ dân cố gắng làm để giữ đất. Người dân vô cùng cơ cực không biết kêu với ai”.

Ruộng đồng bỏ hoang vì ảnh hưởng của hoạt động chế biến than

Ruộng đồng bỏ hoang vì ảnh hưởng của hoạt động chế biến than

Bà X, cũng cho biết thêm nhiều hộ gia đình làm nông nghiệp không hiệu quả cũng đành bán ruộng cho các đơn vị để họ mở rộng bến bãi.

“Không ai cho làm bến bãi trên đất nông nghiệp nhưng trên thực tế khu vực bến bãi than ở khu Hạ Chiểu đều là đất ruộng của bà con cấy lúa trước đây. Doanh nghiệp họ mua đất nông nghiệp của dân sau đó san lấp làm bến bãi than. Thử hỏi chính quyền địa phương có quản lý chặt vấn đề này? Thêm vào đó than ở đâu cứ ùn ùn kéo về các bến bãi, trong khi đó Quảng Ninh làm nghiêm ngặt vấn đề mua bán vận chuyển than”, Bà X bức xúc nói.

Liên quan tới hoạt động tập kết, chế biến than của Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng ở khu vực Hạ Chiểu, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở đơn vị này, nhất là hoạt động lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ đê sông Đá Vách. Công ty này liên tục bị nhắc nhở và xử phạt vì các hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật phòng, chống thiên tai. Phần lớn diện tích bến bãi của Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng nằm ngay sát tuyến đê sông Đá Vách nhưng đơn vị này gần như "làm ngơ" với chỉ đạo của chính quyền địa phương về bảo vệ đê điều.

Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng sử dụng toàn bộ hành lang đê sông Đá Vách để hoạt động bến bãi than

Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng sử dụng toàn bộ hành lang đê sông Đá Vách để hoạt động bến bãi than

Để làm rõ phản ánh của người dân cũng như hoạt động của bến bãi than ở khu Hạ Chiểu, phóng viên cũng đã liên hệ làm việc với ông Trần Khắc Quyền, Chủ tịch UBND phường Minh Tân.

Ông Quyền cho biết: “Hoạt động bến bãi than gây ảnh đến môi trường không thể nói là không có nhưng mấy năm gần đây các cấp chính quyền cũng quyết liệt nên hạn chế phần nào. Môi trường và cuộc sống của người dân sinh sống gần bến bãi than cũng bị ảnh hưởng”.

Liên quan tới các đơn vị được cấp phép hoạt động bến bãi ở khu Hạ Chiểu, ông Quyền cung cấp: “Hiện khu vực này chỉ có hai doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng và Công ty TNHH MTV Việt Ngân HD là hoạt động tập kết bến bãi than. Về mặt thủ tục pháp lý thì Công ty TNHH MTV Việt Ngân HD cơ bản đầy đủ hơn Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng. Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng đang có đề xuất xin mở rộng bến bãi thêm về phía đất nông nghiệp của người dân mà đơn vị đã sử dụng một phần rồi (chưa được cấp phép – PV) nhưng thị xã vẫn chưa đồng ý”.

Về các vi phạm liên quan đến đê sông Đá Vách của Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng, ông Quyền cũng đã cung cấp một số văn bản cho phóng viên.

Còn tiếp...

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/doanh-nghiep-tap-ket-than-o-hai-duong-nhieu-gia-dinh-keu-cuu-d165597.html