Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng Tết

Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã lên kế hoạch kỹ lưỡng và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn kinh doanh cao điểm này.

Người dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội) mua sắm tại Chợ Tết Hapro 2020.

Người dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội) mua sắm tại Chợ Tết Hapro 2020.

Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã lên kế hoạch kỹ lưỡng và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn kinh doanh cao điểm này.

Cho đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban đối ngoại - marketing, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG cho biết, Tổng công ty đã sớm xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình kinh doanh phục vụ Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đồng bộ để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh thương mại nội địa. Trong đó, các đơn vị trực thuộc và công ty thành viên đã chuẩn bị các sản phẩm mang thương hiệu Hapro như Gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói… Bên cạnh đó là các sản phẩm kinh doanh theo chương trình khai thác đặc sản vùng miền như: Bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mì gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang…

Ngoài tám nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố như gạo tẻ, thịt lợn, trứng gia cầm, thủy – hải sản, dầu ăn, thực phẩm chế biến, sữa, bánh mứt kẹo, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: rượu, bia, nước giải khát; các loại măng, miến, mộc nhĩ...; các loại quả, hạt khô phục vụ Tết; các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Phía Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh – Saigon Co.op đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ đầy đủ trong ba tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2019. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho dự trữ chín nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Giám đốc phụ trách siêu thị Saigon Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, do tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa, cho nên Saigon Co.op đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh nhằm bảo đảm số lượng hàng thiết yếu, giá tốt luôn đầy đủ, không bị thiếu hàng. Đồng thời, Saigon Co.op cũng đã kịp thời bổ sung dự phòng một lượng tương đối các mặt hàng phòng chống dịch như: Khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay…

Đại diện siêu thị Saigon Co.opmart cho biết, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm 2020, Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi nhằm chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa Tết. Đồng thời, đơn vị tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm từ năm đến mười lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm Tết để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Theo Sở Công thương Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 đến 22% so với Kế hoạch Tết 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô dịp Tết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng với lượng hàng hóa ký kết tăng hai, ba lần so với ngày thường để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020. Sở đã báo cáo thành phố tạo điều kiện cho 110 xe chở hàng thiết yếu của 19 doanh nghiệp được lưu thông 24/24 giờ để bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết. Dự kiến, Hà Nội sẽ tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 trong tháng 1-2021 với quy mô khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn; Tổ chức từ 50 đến 60 chợ Hoa Xuân phục vụ Tết, năm phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất; Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức từ 5 đến 10 tuần hàng tại Hà Nội… để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/doanh-nghiep-tat-bat-chuan-bi-hang-tet-628730/