Doanh nghiệp Thái Lan kỳ vọng vào chính sách kinh tế của chính phủ mới

Các doanh nghiệp Thái Lan hoan nghênh tân Thủ tướng xuất thân từ kinh doanh và kỳ vọng ông có sự hiểu biết toàn diện về nền kinh tế cũng như động lực kinh doanh để đưa đất nước Thái Lan phát triển.

Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin xuất thân từ kinh doanh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin xuất thân từ kinh doanh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhiều hiệp hội và tập đoàn lớn của Thái Lan đều có chung kỳ vọng rằng tân Thủ tướng Srettha Thavisin sẽ giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và tạo động lực cho nền kinh tế đất nước thoát khỏi sự trì trệ hiện nay để phát triển.

Quá trình hình thành chính phủ mới ở Thái Lan đang tiến triển ổn định kể từ khi ông Srettha, người từng là Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Công ty Phát triển Bất động sản lớn hàng đầu Thái Lan Sansiri Pcl, được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tuần trước.

Phòng Thương mại Thái Lan (TCC), Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), Liên đoàn các Tổ chức Thị trường Vốn Thái Lan (FTCMO) đều tin tưởng rằng ông Srettha với xuất thân là doanh nhân hiểu những gì cần phải làm và sẽ thành lập một nhóm kinh tế có năng lực để giúp đưa Thái Lan đi đúng hướng tới sự thịnh vượng kinh tế trong bối cảnh môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi.

Bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn WHA, tin rằng việc có Thủ tướng mới sẽ thúc đẩy doanh nghiệp và mang lại đầu tư cho Thái Lan. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kích thích nền kinh tế và đầu tư.

Trong khi đó, ông Auttapol Rerkpiboon, Giám đốc Điều hành và Chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT), nhấn mạnh sự cần thiết của chính phủ mới trong việc thúc đẩy các chính sách kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao ngành công nghiệp của Thái Lan, đặc biệt là trong các ngành liên quan đến công nghệ.

Theo giới quan sát, những thách thức kinh tế mà chính phủ của ông Srettha cần giải quyết bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến các đối tác thương mại của Thái Lan như Mỹ và châu Âu.

Xuất khẩu của Thái Lan được dự đoán sẽ giảm 2-3% trong năm nay. Nền kinh tế trong nước cũng đang trì trệ, với mức tăng trưởng 1,8% trong quý 2/2023, đặt ra nhu cầu về các biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn và sự cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ và đổi mới nhằm nâng cao việc tạo ra giá trị trong sản xuất và dịch vụ.

Những thách thức khác bao gồm tác động của hiện tượng khí hậu El Nino đến lượng mưa giảm và các vấn đề khan hiếm nước tiềm ẩn vào năm 2024.

Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh tân Thủ tướng xuất thân từ kinh doanh và kỳ vọng ông có sự hiểu biết toàn diện về nền kinh tế cũng như động lực kinh doanh để đưa đất nước Thái Lan phát triển./.

Đỗ Sinh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-thai-lan-ky-vong-vao-chinh-sach-kinh-te-cua-chinh-phu-moi/891247.vnp