Doanh nghiệp tham gia mạng phân phối nước ngoài: Kênh quảng bá hữu hiệu sản phẩm Việt

Việc giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ trở thành nhu cầu cấp thiết của các tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các mạng phân phối nước ngoài trên các kênh xuất khẩu truyền thống và kênh thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất-xuất khẩu-phân phối ổn định, bền vững.

Với những kênh phân phối quốc tế góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước cũng có điều kiện thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Để đảm bảo các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1415 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã sớm triển khai các hoạt động phổ biến nội dung của Quyết định đến các tỉnh, thành phố và được nhiều địa phương hưởng ứng tích cực.

(Ảnh minh họa - KT)

(Ảnh minh họa - KT)

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm hướng ra cho sản phẩm xuất khẩu của địa phương, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp. Sở Công Thương tỉnh đang đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với bộ phận mua hàng của các tập đoàn phân phối lớn, giúp doanh nghiệp nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật của từng nhà phân phối đặt ra để từ đó có chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn.

“Trong khuôn khổ thực hiện Đề án tỉnh An Giang đã thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh gắn kết đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị nước ngoài. Chính điều này, góp phần vào sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu, tỉnh An Giang cũng mong muốn tiếp tục phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ giới thiệu các mặt hàng chủ lực là cá tra và rau củ quả tươi sống, đông lạnh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình Tuần lễ hàng Việt tại các mạng lưới phân phối nước ngoài” - ông Nguyễn Thành Huân nói.

Việc tăng cường xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối lớn cũng như xuất khẩu trên các hệ thống phân phối dựa trên nền tảng thương mại điện tử được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp cho doanh nghiệp từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng hàng hóa toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu, xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.

Gia nhập Việt Nam từ năm 2019, Amazon Global Selling là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đến nay, xuất khẩu và kinh doanh trên Amazon mở ra xu hướng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt. Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Đối tác chiến lược Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Do vậy, Amazon Global Selling sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng, báo cáo hoạt động Amazon 2022 dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cho thấy, năm 2022 là năm khởi sắc của xuất khẩu điện tử trực tuyến tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazone tăng, trong đó thì phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam” - bà Đỗ Hồng Hạnh nói.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tập đoàn phân phối trong các hoạt động tìm kiếm nhà cung ứng, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa bền vững, độ "phủ sóng" hàng Việt Nam ngày càng nhiều trong các đại siêu thị, các hệ thống phân phối hiện đại tại nước ngoài.

Nhằm triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có mặt tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Với sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bên tham gia, các bộ, ngành, địa phương, Đề án được kỳ vọng sẽ xây dựng được những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối của khu vực và thế giới./.

Bá Toàn/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-tham-gia-mang-phan-phoi-nuoc-ngoai-kenh-quang-ba-huu-hieu-san-pham-viet-post1003426.vov