Doanh nghiệp thép chờ 'ngày mưa tan' giữa lúc giá thép hạ nhiệt

Giá thép trong nước đang giảm sâu và được dự báo sẽ còn tiếp tục hạ nhiệt trước bối cảnh cung vượt cầu, khó khăn trong xuất khẩu. Trước tình hình này, các doanh nghiệp thép sẽ càng cạnh tranh gay gắt để giành thị phần, chờ 'ngày mưa tan' khi tháo được rào cản lớn cho tăng trưởng của ngành đang nằm ở thị trường bất động sản.

Ghi nhận giá thép trong nước vào ngày 13/4 cho thấy, tiếp tục giảm sâu khi một loạt thương hiệu thép điều chỉnh giá. Đơn cử như Công ty TNHH Thép Miền Nam - VNSTEEL (SSCV) từ ngày 5/4 đến nay đã có 2 lần điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm. Các thương hiệu khác như Hòa Phát, Thép Việt Ý, Việt Sing, Thép Việt Đức, Thép Pomina…cũng giảm giá bán.

Sản xuất và tiêu thụ đều giảm mạnh

Song song với giá thép hạ nhiệt thì tình hình tiêu thụ cũng không mấy khả quan khiến cho nhiều nhà máy hiện chỉ chạy với 40 - 60% công suất thiết kế. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép xây dựng quý I/2023 của các thành viên VSA đạt trên 2,1 triệu tấn, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 1,78 triệu tấn (giảm 29%), còn xuất khẩu (XK) trong quý 1/2023 đạt trên 0,36 triệu tấn, giảm đến 48%.

Trước thực trạng cung vượt cầu, cácDN thép trông chờ ngày mưa tan” khi tháo được rào cản lớn cho tăng trưởng của ngành.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức mới đây, lãnh đạo CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (VCA) cho rằng, tình hình thị trường thép đang cung vượt cầu. Thị trường thép năm nay sẽ cạnh tranh gay gắt về thị phần, trong đó chủ yếu cạnh tranh về giá bán.

Báo cáo tài chính quý 1/2023 của VCA thể hiện doanh thu thuần giảm đến 40,64% so với cùng kỳ năm rồi, còn lợi nhuận sau thuế giảm hơn 40%.

Giải trình về sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận trong quý 1 vừa qua, ông Huỳnh Công Du, Tổng giám đốc VCA, cho biết nguyên nhân chủ yếu cho sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm mạnh. Còn giá vốn thì giảm 42,02%. Trong khi đó, lãi vay so với cùng kỳ tăng 2,5 - 3%.

Theo ông Du, công ty cũng đã cố gắng để kéo giảm chi phí tài chính, thu mua nguyên liệu và xuất hàng tiêu thụ phù hợp, giảm lượng hàng tồn kho, luân chuyển tiền nhanh. Ngoài ra, chi phí bán hàng giảm do chi phí vận chuyển giảm (vì sản lượng tiêu thụ giảm), chi phí quảng cáo thương hiệu cũng giảm.

Xét về khó khăn của thị trường thép hiện nay, trong báo cáo cập nhật phát hành hồi đầu tháng 4/2023 từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC về ngành vật liệu xây dựng và một “ông lớn” của ngành thép là CTCP tập đoàn Hòa Phát (HPG), cho rằng tiêu thụ thép xây dựng nội địa trong năm nay sẽ giảm 8% so với 2022.

Tuy vậy, theo BVSC, dù thị trường bất động sản trong nước khó khăn nhưng nhờ nhu cầu tiêu thụ thép dân dụng của các hộ gia đình và nhu cầu thép đầu tư công tăng trưởng trong 2023 giúp mức giảm không quá lớn.

Tháo “rào cản” lớn, tạo tăng trưởng

Riêng về XK thép xây dựng năm nay, dự báo sẽ giảm 23%, riêng với HPG, thị trường XK chính là ASEAN và Trung Quốc. Việc các quốc gia ASEAN giảm nhập khẩu từ Việt Nam không phải vì sản lượng tiêu thụ thép tại các quốc gia này suy yếu và sản lượng nhập khẩu thấp mà chủ yếu do thép từ Trung Quốc XK mạnh vào thị trường ASEAN.

Thép Trung Quốc với giá thành rẻ và số lượng lớn đã ảnh hưởng tới các DN thép của Việt Nam và làm suy giảm sản lượng xuất khẩu thép xây dựng ở Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng, các DN thép gặp khó khăn trong XK sẽ tập trung cạnh tranh trong nước. Điều đáng nói, dù giá thép đang theo chiều hướng hạ nhiệt nhưng giá bán thành phẩm trong nước hiện nay vẫn cao hơn giá mặt bằng trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Các DN thép trong nước vẫn hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ giảm bớt tình trạng dư cung và giúp XK thép xây dựng của Việt Nam hồi phục. Nhất là khi Trung Quốc đã thực hiện mở cửa trở lại từ đầu năm nay, thị trường bất động sản khởi sắc và hoạt động sản xuất, kinh tế hồi phục trở lại giúp nhu cầu tiêu thụ thép dự kiến hồi phục 2% lên mức 932 triệu tấn trong năm 2023, so với mức tăng trưởng 0% hồi năm ngoái.

Còn với thị trường thép trong nước hiện nay, để tăng tiêu thụ như kỳ vọng thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Dẫu biết có một số dự báo chỉ rõ thị trường thép có thể phải chờ đến quý 3/2023 mới có thể phục hồi mạnh. Tuy nhiên các DN thép vẫn mong chờ “ngày mưa tan” sớm hơn dự báo một khi tháo được “rào cản” lớn cho tăng trưởng của ngành thép đang nằm ở thị trường bất động sản.

Theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BSC, việc Chính phủ ban hành công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/04/2023 tập trung tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực bất động sản, dự án đường bộ cao tốc sẽ tác động đến lĩnh vực bất động sản và nhóm ngành liên quan.

Giới chuyên gia cho rằng, ngành bất động sản nội địa khó khăn là “rào cản” lớn nhất cho tăng trưởng ngành thép trong năm 2023. Nhất là khi thị trường xây dựng bất động sản chiếm đến 60% nhu cầu thép, nhưng đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu.

Hiện nay, số dự án bất động sản đang triển khai tại các tỉnh thành phía Nam thấp hơn cả thời kỳ Covid-19. Số dự án cấp phép mới trong 2022 cũng thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức rất yếu.

Cho nên, nếu tháo được rào cản về thị trường bất động sản thì mới có thể hy vọng “mưa sẽ tan” đối với thị trường thép trong nước. Còn thực tế, với việc thúc đẩy đầu tư công để tạo ra nhu cầu đối với thép nhưng đóng góp chưa thực sự đáng kể vì tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-thep-cho-ngay-mua-tan-giua-luc-gia-thep-ha-nhiet-1091988.html