Doanh nghiệp thép đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024

Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 thấp hơn kế hoạch năm 2023, trong bối cảnh kết quả thực hiện năm nay không như kỳ vọng.

Thép SMC có tỷ trọng thép xây dựng cho công trình lớn. Ảnh: SMC

Thép SMC có tỷ trọng thép xây dựng cho công trình lớn. Ảnh: SMC

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) công bố nghị quyết HĐQT ngày 29/12 thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024. Theo đó, công ty dự kiến sẽ tiêu thụ 900.000 tấn thép và lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng.

SMC cũng lên kế hoạch mua lại trước hạn lô trái phiếu 200 tỷ đồng phát hành ngày 2/8/2021 và đáo hạn ngày 2/8/2024. Thời gian dự kiến mua lại vào ngày 2/6/2024 (trước hạn 6 tháng) sau khi thỏa thuận được với người sở hữu trái phiếu và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của SMC giảm so với năm trước. Đầu năm 2023, khi giá thép thế giới và trong nước hồi phục trở lại, SMC dự kiến tiêu thụ 1 triệu tấn thép, doanh thu đạt 20.350 tỷ đồng, giảm 12,2% so với thực hiện trong năm 2022; lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 652 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau 3 quý đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của SMC không hồi phục như kỳ vọng. SMC ghi nhận 10.574 tỷ doanh thu thuần, giảm 44% so với 9 tháng năm 2022; lỗ ròng 549 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 58 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/9 âm 206 tỷ đồng.

Theo giải trình của SMC, năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và hoạt động kinh doanh thép nói riêng. Thị trường bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.

Bên cạnh đó, giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế Trung Quốc cũng như tiêu thụ thép toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn ở mức cao làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả.

Trong tháng 10/2023, HĐQT SMC đã thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự, tiết giảm tất cả chi phí phát sinh nhằm để duy trì hoạt động công ty.

Là doanh nghiệp có tỷ trọng thép xây dựng cho công trình chiếm tới 40% (theo chia sẻ của lãnh đạo SMC tại ĐHĐCĐ thường niên 2023) nên hoạt động kinh doanh của SMC bị ảnh hưởng khi các công ty bất động sản gặp khó khăn.

Quy mô tài sản của công ty tại ngày 30/9 là 6.765 tỷ đồng, trong đó riêng khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm 2.046 tỷ đồng và chủ yếu là từ khách hàng. Đáng chú ý, SMC có hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu (98% là nợ ngắn hạn) và phải trích lập dự phòng 273 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SMC đóng cửa năm 2023 ở mức giá 10.250 đồng/cp, giảm gần 30% so với giữa tháng 7, đi ngược với xu hướng phục hồi của nhóm cổ phiếu thép thời gian qua.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-thep-dau-tien-cong-bo-ke-hoach-kinh-doanh-nam-2024-post30619.html