Doanh nghiệp thép nói gì khi giá tăng phi mã?

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cho biết cũng đang chịu áp lực nặng nề khi phải mua nguyên liệu cho cả quý IV dù giá tăng cao.

"Giá nguyên liệu nào cũng tăng nhưng không mua nhanh là không có hàng để sản xuất. Rủi ro cao nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận để đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường", đại diện Tập đoàn Hòa Phát nói với Zing.

Thông thường, doanh nghiệp thép mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý. Nhưng hiện tại, Hòa Phát cho biết đã trữ đủ nguyên liệu cho cả quý IV.

Hiện giá thép cuộn bán tại nhà máy của Hòa Phát dao động trong khoảng 16-17 triệu đồng/tấn tùy loại, tăng 56% so với tháng 10/2020. Giá thép cây đồng thời tăng 42%. Bình quân giá thép thành phẩm tăng 50% so với quý III/2020.

Giá còn thấp so với thế giới

Tuy nhiên, đại diện tập đoàn Hòa Phát và một doanh nghiệp sản xuất thép khác đều cho rằng mức giá này còn ở vùng thấp so với giá thị trường thế giới và giá nguyên vật liệu đầu vào. Lý do là các đơn vị đã trữ được lượng lớn nguyên vật liệu và hiện bán theo giá nguyên vật liệu các tháng trước.

Thực tế, giá thép cuộn cán nóng HRC ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc hiện nay đã đạt đỉnh lần lượt là 1.500 USD/tấn, 1.200 USD/tấn và hơn 1.036 USD/tấn. Trong khi đó, giá loại thép này ở Việt Nam khoảng 1.000 USD/tấn.

Trong khi đó, giá quặng sắt, nguyên liệu chiếm gần 50% giá thành sản phẩm thép, đã tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, giá quặng tăng dựng đứng từ 167 USD/tấn lên 229 USD/tấn. "Giá quặng vẫn đang trên đà tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại", đại diện Hòa Phát cho biết.

Đồng thời, giá nguyên liệu khác là phế liệu cũng tăng phi mã, từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500 USD/tấn vào ngày 10/5.

Bên cạnh yếu tố nguyên vật liệu đầu vào, doanh nghiệp này lý giải giá thép tăng còn do ảnh hưởng của cung cầu thép thế giới khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ đang phục hồi mạnh, nhu cầu sản phẩm thép tăng cao. Mặt khác, dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.

Giá thép phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung và biến động giá nguyên vật liệu thế giới

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát

Đặc biệt, theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép khác, căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc thời gian qua đã giới hạn lượng nguyên liệu thô từ Australia về quốc gia cung cấp sản lượng thép lớn nhất toàn cầu.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng cắt giảm lượng lớn sản lượng thép thông qua một loạt biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường. Những biến động này khiến giá thép trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung không ngừng "nhảy múa".

"Thép hay các loại hàng hóa khác của Việt Nam có tính liên thông với thị trường thế giới. Mặt bằng giá sẽ phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung và biến động giá nguyên vật liệu trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc", đại diện Hòa Phát nhìn nhận.

Đẩy mạnh sản xuất, hạn chế xuất khẩu

Chia sẻ với Zing, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết đang chạy tối đa công suất của các nhà máy để đảm bảo cung cấp sản lượng tối đa cho thị trường. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp tăng 58% sản lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp thành viên cũng đã sản xuất gần 10,5 triệu tấn thép thành phẩm các loại trong 4 tháng đầu năm, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản lượng thép xây dựng, chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng 11,4% lên 3,7 triệu tấn. Đồng thời, thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất lên đến 111%, đạt gần 2,3 triệu tấn.

Về phía tiêu thụ, các doanh nghiệp đã bán tổng cộng gần 9,5 triệu tấn thành phẩm thép, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng gần 68%, còn tiêu thụ nội địa tăng xấp xỉ 34%.

 Các nhà sản xuất thép tăng gần 40% sản lượng trong 4 tháng đầu năm, riêng Hòa Phát tăng gần 60%. Ảnh: Hoàng Hà.

Các nhà sản xuất thép tăng gần 40% sản lượng trong 4 tháng đầu năm, riêng Hòa Phát tăng gần 60%. Ảnh: Hoàng Hà.

Riêng tại Hòa Phát, doanh nghiệp khẳng định đang ưu tiên thị trường trong nước và chưa có kế hoạch xuất khẩu thép.

Mới đây, VSA cũng có công văn khuyến khích các doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh sản xuất và tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, phối hợp nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước, đồng thời tiết giảm chi phí sản xuất và bảo đảm giá bán hợp lý.

VSA cũng yêu cầu các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý II và dự kiến cả năm nay để tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước và cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép trong bối cảnh giá thép leo thang.

Trước mắt, đại diện các doanh nghiệp thép dự báo nhu cầu đến hết tháng 5 vẫn tốt, song thị trường sẽ có sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất hàng đầu. Giá bán sẽ có khả năng điều chỉnh để bù đắp đà tăng trong giá nguyên liệu đầu vào.

Trước việc giá thép tăng phi mã, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp thép tăng công suất sản xuất, đồng thời cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ kiểm soát xuất khẩu với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-thep-noi-gi-khi-gia-tang-phi-ma-post1214573.html