Thuốc lá điện tử: Góc nhìn từ khu vực ra thế giới

Cấm hay hợp pháp hóa thuốc lá thế hệ mới vẫn đang là vấn đề đang được tranh luận trên diễn đàn Quốc hội và các phương tiện truyền thông tại Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã có những đối xử rõ ràng, phù hợp với thuốc lá điện tử.

Bên cạnh một số quốc gia cấm thuốc lá điện tử, có đến 109 quốc gia trên toàn thế giới đã có chính sách quản lý và lưu hành thuốc lá điện tử (theo báo cáo của FCTC - WHO năm 2023), trong số đó là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Các nước cho lưu hành thuốc lá điện tử ra sao?

Năm 2017, chính phủ Indonesia hợp pháp hóa việc buôn bán thuốc lá điện tử bằng hệ thống cấp phép, tiêu chuẩn sản phẩm và thuế. Dung dịch thuốc lá điện tử được phân loại là sản phẩm thuốc lá và thiết bị điện tử được phân loại là sản phẩm tiêu dùng.

Thuế thu được từ thuốc lá điện tử vào năm 2023 tại nước này lên tới 1,75 nghìn tỷ Rp, tương đương 113,7 triệu USD. Ông Deni Surjantoro, Cục trưởng Cục dịch vụ Thông tin và Truyền thông của Bộ Tài chính Indonesia, cho biết hơn 50% nguồn thu từ thuế thuốc lá sẽ được hướng tới các dịch vụ y tế công cộng và thực thi pháp luật, hỗ trợ các dịch vụ công tốt hơn.

Đất nước này từng có hơn 60 triệu người hút thuốc lá, nhưng nay đã có khoảng 3 triệu người sử dụng các sản phẩm thay thế nicotine. Giải pháp này vẫn phát huy hiệu quả, giúp giải quyết vấn nạn hút thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc ở Indonesia.

Còn tại Philippines, quốc gia này đã sử dụng nguồn thu 3 tỷ đô-la từ thuốc lá và thuốc lá mới để hồi phục kinh tế sau Covid-19 cũng như đầu tư vào các dịch vụ công thiết yếu. Không chỉ thế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá của quốc gia này cũng giảm đáng kể từ 23,8% năm 2015 xuống 19,5% vào năm 2021.

Ông Joey Dulay, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp thuốc lá điện tử Philippines (PECIA) nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp thuốc lá điện tử đang giúp Chính phủ đạt được mục tiêu tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế cho thuốc lá truyền thống. Đồng thời, việc cho phép hợp pháp hóa thuốc lá điện tử đã giúp tỷ lệ hút thuốc lá tại Phillipines giảm tích cực, từ mức 29,7% năm 2009 giảm xuống còn 19,5% vào năm 2021.

Còn tại các nước cấm thuốc lá điện tử?

Có khá nhiều quốc gia áp dụng cấm thuốc lá mới nhưng sau đó đã có những điều chỉnh quản lý cho phù hợp hơn với thực tế vì những hệ lụy từ chính sách cấm mang lại, như tỷ lệ thuốc lá điện tử lậu tràn lan, thất thoát ngân sách nhà nước, những tác động bất lợi tiềm tàng đến nền kinh tế, v.v...

Nhìn vào các quốc gia láng giềng trong khu vực, trước năm 2023, tại Malaysia, thuốc lá điện tử có chứa nicotin chỉ được sử dụng cho mục đích y tế. Điều này có nghĩa, việc sử dụng thuốc lá điện tử ngoài mục đích này đều là bất hợp pháp. Nhưng cho dù có lệnh cấm, theo Phòng thương mại thuốc lá điện tử Malaysia (MVCC - Malaysian Vape Chamber of Commerce), số lượng người trưởng thành sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở Malaysia từ năm 2019 đến năm 2022 vẫn tăng 27%, tương đương hơn 300.000 người. Giá trị bán lẻ của thị trường thuốc lá điện tử được ghi nhận đã tăng 53%, từ 2,27 tỷ ringit vào năm 2019 lên 3,48 tỷ ringit vào năm 2023.

Ông Pankaj Kumar, giám đốc điều hành của Trung tâm thông tin và nghiên cứu dữ liệu (DARE), cho biết lệnh cấm như vậy có thể gây ra nguy cơ thiếu an toàn dành cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến thu ngân sách của Chính phủ. “Ngành công nghiệp thuốc lá điện tử hiện có giá trị 3,48 tỷ RM, đóng góp cho nền kinh tế thông qua tạo việc làm và tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển”, ông chia sẻ tại Hội nghị bàn tròn về Kiểm soát sản phẩm hút thuốc đối với Đạo luật Y tế công cộng 2024 (Đạo luật 852).

Tổng thư ký MVCC Ridhwan Rosli cho biết ngoài việc đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước và giúp người hút thuốc bỏ thuốc lá, ngành công nghiệp thuốc lá điện tử còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương và tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, trực tiếp và gián tiếp (khoảng 31.500 việc làm).

Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá điện tử bán lẻ Malaysia Datuk Adzwan Ab Manas cho biết ngành công nghiệp thuốc lá điện tử trong nước được định giá 3,48 tỷ RM vào năm 2023. Adzwan nhấn mạnh có một thực tế rõ ràng rằng lệnh cấm không có tác dụng vì nó sẽ buộc những người trong ngành và người tiêu dùng tham gia vào thị trường bất hợp pháp. “Khuyến nghị của chúng tôi với chính phủ luôn là đưa ra một khung pháp lý hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trưởng thành, bảo vệ họ bằng các tiêu chuẩn an toàn và ngăn chặn trẻ vị thành niên tiếp cận sản phẩm”.

Tại Thái Lan, một ủy ban đặc biệt của nước này đã thừa nhận rằng việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù đã bị cấm từ năm 2014. Ngoài ra, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho chính phủ Thái Lan, từ thuế, chống tham nhũng và trấn áp thị trường chợ đen, đến giải quyết vấn đề an toàn sản phẩm và hạn chế tiếp xúc với thanh thiếu niên.

Trước đó, ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Thái Lan, đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh rằng lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm thuốc lá mới không phải là giải pháp tối ưu nhất cho đất nước trong bối cảnh xã hội hiện nay. Ông Chaiwut cho rằng việc hợp pháp hóa các sản phẩm như vậy sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách cho Chính phủ và cho phép thực hiện các tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp thuốc lá.

Một quốc gia khác trong khu vực cấm thuốc lá điện tử và đang phải đối mặt với làn sóng buôn lậu sản phẩm này là Singapore. Quốc gia này đã áp đặt lệnh cấm lên thuốc lá điện tử từ năm 2018. Tuy nhiên số người sử dụng sản phẩm này không ngừng gia tăng. Số người bị bắt giữ vì sử dụng thuốc lá điện tử năm 2022 tăng gấp 4 lần so với năm 2020.

Dữ liệu từ trang web chính thức của Cơ quan Khoa học Y tế Singapore công bố cho thấy, năm 2022, số vụ bị bắt giữ vì sở hữu và sử dụng thuốc lá điện tử cao gần gấp ba lần năm 2020

Ngoài ra, theo dữ liệu từ trang web chính thức của Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) cho thấy tình trạng buôn lậu gia tăng tại quốc gia này với tổng cộng 860 người đã bị bắt vì bán và buôn lậu thuốc lá điện tử và phụ kiện từ năm 2018 đến năm 2022. Năm 2022, số vụ bị bắt giữ vì sở hữu và sử dụng thuốc lá điện tử cao gần gấp ba lần năm 2020. Hiện chính phủ Singapore đã công bố nỗ lực phối hợp để quản lý và kiểm soát việc sử dụng sản phẩm này thông qua cách tiếp cận đa cơ quan.

Các nước phát triển nhận định về thuốc lá điện tử

Khi nhìn nhận thuốc lá mới, Cơ quan Y tế cộng đồng Anh đánh giá “sử dụng thuốc lá điện tử là ít độc hại hơn đến ít nhất 95% so với hút thuốc lá truyền thống”. Chính phủ Canada thì cho rằng “Hút thuốc lá điện tử ít có hại hơn hút thuốc lá điếu truyền thống. Việc thay thế hoàn toàn thuốc lá điếu truyền thống bằng thuốc lá điện tử sẽ giảm việc bị phơi nhiễm với các loại hóa chất có hại…”. Còn theo Bộ Y tế New Zealand: “Thuốc lá điện tử là một cách cai thuốc lá bằng cách tiếp nhận nicotine với ít chất độc hại hơn thuốc lá truyền thống”.

Các tổ chức uy tín cũng có các công bố về tiềm năng giảm tác hại của thuốc lá điện tử. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhận định: “Chúng tôi thấy được khả năng thuốc lá điện tử, có thể trở thành lựa chọn thay thế có tiềm năng ít gây hại hơn cho những người trưởng thành nghiện hút thuốc lá”.

Còn theo Văn phòng của WHO tại Châu Âu: “Việc thay thế toàn bộ thuốc lá điếu truyền thống bằng sản phẩm điện tử giúp người sử dụng giảm việc bị phơi nhiễm với nhiều chất độc hại và chất gây ung thư trong thuốc lá truyền thống”.

Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Hoa Kỳ thì cho rằng: “Các sản phẩm thuốc lá không khói/nicotin, đang hiện hữu tại thị trường Hoa Kỳ, dù không hoàn toàn không có rủi ro, mang nguy cơ tử vong ít hơn đáng kể và dễ dàng từ bỏ hơn thuốc lá truyền thống… Các sản phẩm này bao gồm thuốc lá điện tử…”

Khi nghiên cứu về mức độ tác hại của các loại sản phẩm thuốc lá, Tạp chí khoa học Annu Rev Public Health chỉ ra rằng thuốc lá điện tử thuộc nhóm “Ít có hại hơn nhiều” thể hiện rõ mức độ giảm tác hại đáng kể so với các sản phẩm thuốc lá điếu có quá trình đốt cháy được xếp vào nhóm “Cực kỳ độc hại”.

Từ đây có thể thấy không sử dụng thuốc lá hoặc cai thuốc lá hoàn toàn là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, nếu không thể cai thuốc, thay vì sử dụng loại sản phẩm ở nhóm “Cực kỳ độc hại”, người hút thuốc lá điếu có thể chuyển đổi sang sản phẩm ở nhóm “Ít có hại hơn nhiều” để dần dần tiến đến việc cai thuốc lá hoàn toàn.

Một nghiên cứu khác bởi Tiến sĩ William E Stephens từ Đại học St Andrews, Vương quốc Anh với mục tiêu định lượng tác hại tương đối do khí hơi của các sản phẩm thuốc lá mới so với hút thuốc lá truyền thống đã cho thấy nguy cơ gây ung thư của thuốc lá điếu cao gấp nhiều lần so với thuốc lá điện tử.

Nghiên cứu của The New England Journal of Medicine (NEJM) đã chứng minh được tiềm năng giảm thiểu tác hại thuốc lá của thuốc lá điện tử

Theo kết quả nghiên cứu về “Hệ thống phân phối nicotin điện tử - còn được gọi là thuốc lá điện tử hỗ trợ một số người hút thuốc lá cai thuốc lá” của The New England Journal of Medicine (NEJM) - tạp chí y khoa uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới đưa ra kết luận rằng “việc bổ sung thuốc lá điện tử vào tư vấn cai thuốc lá tiêu chuẩn dẫn đến việc cai thuốc lá ở những người hút thuốc nhiều hơn so với việc chỉ tư vấn cai thuốc lá”.

Chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam cần toàn diện và đa chiều

Hiện nay, trong lúc Bộ Công Thương và Bộ Y tế vẫn chưa có sự thống nhất về việc đối xử như thế nào với thuốc lá thế hệ mới, các nước trên thế giới đã có những bài học kinh nghiệm đối với dòng sản phẩm này để hài hòa các mục tiêu khác nhau của quốc gia.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng 5.6.2024 về vấn đề quản lý thuốc lá điện tử, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng huyết học - truyền máu Trung ương, đề nghị Bộ trưởng cho biết về các biện pháp phòng, chống buôn lậu và cách lấp khoảng trống pháp lý về thuốc lá mới hiện nay. Ông Trí nêu nghi vấn việc đẩy lùi thuốc lá mới liệu có hiệu quả bởi tỷ lệ sử dụng ngày càng nhiều kéo theo đó là tình trạng buôn bán thuốc lá mới lậu đang tràn ngập thị trường.

Trước đó, tại phiên giải trình do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 4.5.2024, ông Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu: “Dù biết rõ thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là độc hại nhưng cần xác định mức độ độc hại của chúng so với thuốc lá điếu. Đồng thời, cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xem từ khi xuất hiện thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng thì có tác động tăng hay giảm với người sử dụng thuốc lá nói chung”.

Theo ông Hạ, cả Bộ Công Thương và Bộ Y tế đều có đủ lý luận để đề xuất cấm hoặc thí điểm quản lý thuốc lá mới. Ông cho rằng mọi quy định cần cân nhắc đến tác động về mặt sức khỏe, an toàn, quyền lợi ích hợp pháp của người dân.

Tại phiên giải trình này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (khi đó là Phó chủ tịch thường trực) cũng nhấn mạnh về tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật trong đề xuất phương án quản lý, cũng như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh qủan lý cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong phiên chất vấn: “Nếu Bộ Y tế khẳng định thuốc lá mới có hại cho sức khỏe đến mức cần phải cấm thì Bộ Công Thương sẽ ủng hộ cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để sản phẩm này không được lưu hành”. Vì thế, Bộ Y tế cần nghiên cứu để xác định rõ mức độ độc hại của chúng so với thuốc lá điếu hoặc có thể tham khảo các nghiên cứu và nhận định của những tổ chức uy tín trên thế giới để thấy rõ bức tranh toàn cảnh khi áp dụng phương án “cấm” hay “mở”.

Sau phiên chất vấn, TS.Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cũng đã đề nghị cần có tiếng nói từ nhiều phía để có cái nhìn toàn diện, phù hợp, kể cả trước mắt cũng như về lâu dài. Tức là, cần xem xét tác động đa chiều của việc cấm, không chỉ đối với sức khỏe mà còn các tác động về kinh tế và xã hội.

Từ những nhận định của đại diện các cơ quan bộ ngành, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia tại Việt Nam, cùng những bài học kinh nghiệm từ trong khu vực đến ra ngoài thế giới, chủ trương quản lý thuốc lá mới tại Việt Nam cần xem xét toàn diện, đa chiều các tác động của chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá mới. Từ đó, có thể xây dựng một khung pháp lý hiệu quả cho cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu tác hại thuốc lá, đẩy lùi nạn buôn lậu, đảm bảo trật tự kinh doanh và tăng nguồn thu ngân sách từ thuế.

Hữu Thông

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thuoc-la-dien-tu-goc-nhin-tu-khu-vuc-ra-the-gioi-44370.html