Doanh nghiệp thích ứng với thuế quan

Doanh nghiệp trong nước không chỉ thích nghi, mà còn chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh tự động hóa, số hóa và 'xanh hóa' để tăng khả năng chống chịu và duy trì đà tăng trưởng.

Những điểm tựa mới

Chương trình nghiên cứu “Chính sách thuế quan mới của Mỹ: Tác động và định hướng ứng phó cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam” do PwC thực hiện mới đây cho thấy, các doanh nghiệp đang điều chỉnh mạnh mẽ ở nhiều khâu - từ chuỗi cung ứng, sản xuất đến thị trường và dịch vụ. Khoảng 44% doanh nghiệp được khảo sát đã chuyển hướng tìm nguồn cung từ nhiều khu vực khác nhau; 34% đang đàm phán lại với nhà cung cấp để tối ưu chi phí.

Song song đó, 40% doanh nghiệp đang đầu tư vào tự động hóa và tinh gọn quy trình vận hành, không chỉ để tiết kiệm chi phí mà còn nhằm tăng tính linh hoạt trong sản xuất. “Không chỉ các nhà xuất khẩu, mà cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đang tích cực hội nhập vào chuỗi cung ứng nội địa và của các doanh nghiệp FDI”, PwC nhận định.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch năm 2024. Tuy nhiên, chính sách thuế quan mới đối với một số mặt hàng đang khiến nhiều doanh nghiệp phải “xoay trục” chiến lược. Những nhóm ngành như dệt may, đồ gỗ, thủy sản và điện tử hiện nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ để phòng, tránh gian lận thương mại.

Thực tế này buộc doanh nghiệp phải mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Nhật Bản, châu Âu, Australia và ASEAN đang trở thành những điểm đến thay thế tiềm năng, nhờ rào cản kỹ thuật thấp và ưu đãi thuế quan.

Theo khảo sát của UOB, 60% doanh nghiệp vẫn giữ vững sự lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2025, bất chấp những biến động từ thị trường quốc tế. Khoảng 52% dự báo chi phí nguyên vật liệu và sản xuất sẽ tăng do thuế quan, và gần 70% tin rằng, thương mại nội khối ASEAN sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Thực tế, ASEAN và châu Âu đã và đang trở thành những điểm tựa xuất khẩu mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2024, khu vực ASEAN được đánh giá là điểm đến được doanh nghiệp Việt ưu tiên hàng đầu trong 1-3 năm tới, đặc biệt là Thái Lan và Singapore. Ngoài ra, châu Âu đang nổi lên như một thị trường chiến lược, với 25% doanh nghiệp xác định đây là khu vực trọng điểm cho kế hoạch mở rộng xuất khẩu.

Theo ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp UOB Việt Nam, sự chủ động chuyển đổi của doanh nghiệp cùng với cải cách chính sách từ phía Nhà nước đang giúp duy trì triển vọng tích cực cho kinh tế Việt Nam.

Ông nhấn mạnh: “Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt điều chỉnh chiến lược theo hướng giảm phụ thuộc vào từng thị trường đơn lẻ, đồng thời khai thác sức mạnh đang lên của thương mại nội khối ASEAN”.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa và thích ứng “xanh hóa”

Một số ngành nhạy cảm như dệt may đã chủ động xây dựng phương án đối phó với rủi ro. Cụ thể, ngành dệt may, thêu đan đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa từ 40% lên 60%, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng đang chịu áp lực ngày càng lớn về “xanh hóa” và số hóa. Việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường hoặc công nghệ có thể khiến doanh nghiệp bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế, một thực tế đang hiện hữu trong các ngành xuất khẩu chủ lực.

Tuy chủ động chuyển đổi, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng có thêm sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và tổ chức tài chính. Theo khảo sát của UOB, 73% doanh nghiệp mong muốn được ưu đãi tài chính để giảm tác động từ thuế quan; 65% mong đợi được trợ cấp hoặc miễn giảm thuế cho các ngành chịu ảnh hưởng lớn. Về dài hạn, các doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh ký kết hiệp định thương mại song phương với các thị trường trọng điểm, đồng thời hỗ trợ tái cơ cấu và dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Chuyển đổi chiến lược, tái cấu trúc chuỗi giá trị, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực nội tại đang là con đường tất yếu để doanh nghiệp Việt ứng phó với làn sóng thuế quan mới. Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, chính sự linh hoạt, chủ động và bền bỉ đang giúp doanh nghiệp Việt không chỉ trụ vững, mà còn có thể bứt phá mạnh mẽ trên sân chơi quốc tế.

Vũ Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thich-ung-voi-thue-quan-d321308.html