Doanh nghiệp thực hiện ''3 tại chỗ''

Nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng đang áp dụng nguyên tắc '3 tại chỗ' (ăn, nghỉ tại chỗ; làm việc tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ) nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó, bởi cơ sở hạ tầng không đảm bảo...

Công ty Cổ phần Gạch Tuy nen Tâm Hưng Phú thực hiện chia nhỏ công nhân làm việc giãn cách theo từng khu vực

Công ty Cổ phần Gạch Tuy nen Tâm Hưng Phú thực hiện chia nhỏ công nhân làm việc giãn cách theo từng khu vực

Đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trong cộng đồng và bắt đầu len lỏi vào các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo cho các sở, ban ngành, địa phương hướng dẫn các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng phương án “3 tại chỗ”.

Anh Nguyễn Đình Cường, phụ trách quản lý Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ha Do (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh) cho biết: Vào thời điểm sản xuất bình thường, Công ty luôn có trên 100 công nhân làm việc tại xưởng. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi huyện Đạ Tẻh có những ca nhiễm dương tính, Công ty đã giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại xưởng chỉ còn chừng 25 người. Bên cạnh đó, việc tổ chức đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho công nhân trước khi vào và ra về cũng được Công ty chú trọng thực hiện.

Đối với việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND huyện Đạ Tẻh, Công ty đã thông báo phương án này đến công nhân, có khoảng 25% công nhân đăng ký thực hiện, số không đăng ký vì vướng con nhỏ, mẹ già, gia đình khó khăn hoặc hai vợ chồng phải có một người ở nhà chăm con. Công ty cũng đã lập danh sách để làm thủ tục đăng ký tạm trú với Công an xã Đạ Lây; đồng thời, kết nối camera ngoài cổng để tiện việc theo dõi giám sát.

Theo anh Cường, Công ty Ha Do với đặc thù là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan, lục bình nên việc này hoàn toàn có thể làm ở nhà. Để tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho công nhân, đơn vị đã tổ chức cho xe chuyên chở nguyên vật liệu đến giao tận nơi để họ làm việc. Việc làm này vừa hạn chế tối đa việc tập trung đông công nhân, giảm nguy cơ dịch bệnh xâm nhập; đồng thời, giảm áp lực về cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Bởi lâu nay, Công ty chỉ có nhà xưởng và khu văn phòng làm việc dành cho chuyên gia, cấp quản lý. Do đó, Công ty phải tạm thời di dời, dồn một số kho hàng, máy móc để lấy nơi ở cho người lao động nghỉ ngơi; trong các khu ở tập thể phải đảm bảo khoảng cách an toàn cho từng người.

Tương tự, tại Công ty Cổ phần Gạch tuy nen Tâm Hưng Phú (xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh), đơn vị cũng đang bật chế độ “3 tại chỗ” với những kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt theo các lớp, khu sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho công nhân được bố trí riêng biệt, thoáng mát.

Ông Lưu Công Hòa, đại diện Công ty cho biết: Hiện, Công ty đang có 44 công nhân, cán bộ quản lý đang làm việc. Để thực hiện tốt phương án “3 tại chỗ”, Công ty đã bố trí 12 phòng ở riêng biệt, mỗi phòng chỉ tối đa 4 người. Ngoài ra, Công ty cũng đưa vào sử dụng thêm nhà vệ sinh, nhà tắm theo từng khu vực riêng biệt. “Chúng tôi cũng thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, khu nghỉ của công nhân với tinh thần nội bất xuất, ngoại bất nhập” - ông Hòa thông tin.

Bên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện nghiêm ngặt việc test đầu vào, sắp xếp chỗ ăn, làm việc cho công nhân bảo đảm giãn cách là khâu rất quan trọng. Bộ phận quản lý sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm công nhân tuân thủ các quy định.

Tuy nhiên, khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, dù thể hiện sự quyết tâm cao và tuân thủ các chủ trương, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 nhưng việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được.

Ông Đỗ Xuân Kiên - Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến nay, tại hai khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội có 45 doanh nghiệp/dự án đang hoạt động; trong đó, có 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng công nhân trong các công ty xấp xỉ 4.500 người.

Để đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp đã phải cơi nới, tận dụng tối đa diện tích để người lao động có thể vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ. Tuy nhiên, hiện nay là nhiều doanh nghiệp gặp khó về việc bố trí chỗ ở cho công nhân. Bên cạnh đó, là việc phát sinh nhiều vấn đề về điều kiện an toàn, vệ sinh và tâm lý của người lao động.

Trên thực tế, phương án "3 tại chỗ" đã được áp dụng và phát huy hiệu quả tại một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp với số công nhân lao động lớn. Với phương án này, ngoài việc đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, các doanh nghiệp có thể quản lý chặt chẽ người lao động, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh để ổn định sản xuất trong tình hình mới. Đây là một biện pháp cứng rắn nhưng hết sức cần thiết để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa sản xuất, phát triển kinh tế.

CHỈ ĐƯỢC PHÉP HOẠT ĐỘNG KHI ĐẢM BẢO PHƯƠNG ÁN “3 TẠI CHỖ”

Ngày 13/8, ông Hoàng Trọng Hiền - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết Sở đã có văn bản chỉ đạo về việc đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Công thương yêu cầu chủ cơ sở sản xuất công nghiệp khẩn trương kích hoạt, thực hiện phương án “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ) phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của đơn vị, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, không để lây lan dịch, bệnh trong cơ sở.

Chủ cơ sở kịp thời đăng ký phương án “3 tại chỗ” về Sở Công thương, Sở Y tế, UBND huyện, thành phố nơi đóng chân để phục vụ cho công tác kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn. Các cơ sở sản xuất công nghiệp không đảm bảo điều kiện phải dừng hoạt động, chỉ được phép hoạt động trở lại khi đảm bảo phương án 3 tại chỗ hoặc đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh.

Theo ông Hoàng Trọng Hiền, trong thời gian qua, hơn 8.000 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đã chấp hành tốt các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch của đơn vị, tuân thủ quy định 5K trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đơn vị cần khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Trước đó, Bộ Y tế đã có Văn bản số 5522 hướng dẫn chi tiết về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi mắc, mắc Covid-19 tại đơn vị, đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

HỒNG THẮM

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/doanh-nghiep-thuc-hien-3-tai-cho-3073053/