Doanh nghiệp thực hiện kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử trong kinh doanh để phòng, chống tham nhũng

Nhiều nghiên cứu và khảo sát đã cho thấy tham nhũng trong khu vực tư không hề giảm trong thập kỷ qua. Không những thế tham nhũng còn nổi lên như một mối đe dọa đến hoạt động kinh doanh của DN ở Việt Nam.

DN muốn lớn mạnh phải quản trị hiệu quả

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) vừa tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến các bên nhằm hoàn thiện Dự thảo “Cẩm nang áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh”.

Sự kiện này là một trong các hoạt động của Sáng kiến liêm chính giữa DN và Chính phủ trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN”.

Tổng Thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Nguyễn Quang Vinh cho rằng, DN muốn lớn mạnh phải xuất phát từ quản trị hiệu quả. Kiểm soát nội bộ xem như công cụ quản lý để DN nói không với tham nhũng. Một DN không thể chống tham nhũng, nhưng khi các DN liên kết với nhau thành một khối thì việc đóng góp của DN vào công tác PCTN của Đảng, Nhà nước sẽ rất lớn, hiệu quả.

Ngày 15-8, Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng chính thức có hiệu lực. Đây được xem là thời điểm phù hợp để DN có những thay đổi trong hành động nhằm ngăn ngừa các rủi ro trong kinh doanh.

Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN, đặc biệt nâng cao năng lực quản lý rủi ro và ứng phó với khủng hoảng; tạo ra cơ chế vận hành quản lý DN trơn chu, minh bạch và hiệu quả; uy tín/hình ảnh của Cty được cải thiện; quyền lợi của nhà đầu tư và cổ đông được đảm bảo… Qua đó, cũng góp phần đề cao các giá trị cốt lõi về tính chính trực, hành vi đạo đức và tinh trách nhiệm, tạo nên văn hóa DN và thúc đẩy toàn Cty cùng hướng tới một mục tiêu chung đề ra.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 khuyến khích các DN ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. Chúng tôi biết rằng, các bộ quy tắc ứng xử đó không giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng sẽ có thể hỗ trợ để giải quyết. Trên thế giới, có rất nhiều Cty đã ban hành các bộ quy tắc này”.

Trong thời gian tới, UNDP Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI về hỗ trợ cộng đồng DN áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ thông qua cung cấp các khóa đào tạo, các bộ công cụ và hỗ trợ kỹ thuật cho những DN có mong muốn triển khai áp dung tại DN.

Ông Stephen Taylor, Trưởng Bộ phận chính trị, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội nhìn nhận: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tiêu chí để đánh giá sự thành công của DN không chỉ dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh mà nó còn được đánh giá dựa trên các yếu tố minh bạch, liêm chính và thực hiện quản trị Cty theo những tiêu chuẩn phù hợp với trình độ trong nước và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”.

Các chuyên gia thảo luận về việc DN cần áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh. Ảnh: P.Thảo

Các chuyên gia thảo luận về việc DN cần áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh. Ảnh: P.Thảo

Chuyển từ “triết lý ăn xổi” sang tăng trưởng bền vững

Nghiên cứu của Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho biết, nhiều nghiên cứu và khảo sát đã cho thấy tham nhũng trong khu vực tư không hề giảm trong thập kỷ qua. Không những thế tham nhũng còn nổi lên như một mối đe dọa đến hoạt động kinh doanh của DN ở Việt Nam, làm suy giảm triển vọng phát triển kinh tế và sự bền vững lâu dài của đất nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp dụng một hệ thống kiểm soát nội bộ đáng tin cậy và kết hợp với quy tắc ứng xử tốt có thể giúp DN quản trị, kiểm soát được mọi hoạt động trong đơn vị, cho phép họ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường mức độ đáng tin cậy của thông tin và mức độ tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên ở Việt Nam các khái niệm này còn khá mới mẻ, cách thức các DN hiểu và áp dụng các công cụ quản lý này như thế nào còn chưa được làm rõ.

Nhóm nghiên cứu đã gửi bảng khảo sát với khoảng 800 DN và liên hệ với 50 DN để mời tham gia các cuộc thảo luận nhóm. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ các DN tham gia khảo sát còn hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ, quy tắc ứng xử còn khá cao.

Đáng chú ý, trong mối quan hệ với Nhà nước, có hai vấn đề quan trọng cần xem xét. Thứ nhất rất nhiều DN đã vi phạm một số quy định. Thứ hai việc trả phí không chính thức cho cán bộ Nhà nước dường như là một thông lệ kinh doanh bình thường ở Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các DN Nhà nước cần triển khai đầy đủ hệ thống kiểm soát nội bộ hiện có của mình, tuân theo hệ thống kinh doanh thực sự hơn là hệ thống quản lý khó hiểu hiện tại, nửa mang tính Nhà nước, nửa mang tính DN.

Với các DN tư nhân, nhóm nghiên cứu cho rằng, nên chuyển từ “triết lý ăn xổi” sang tăng trưởng bền vững dài hạn. Những DN này nên xây dựng chiến lược dài hạn, tôn trọng các quy định tiêu chuẩn đã được chấp nhận và các giá trị đạo đức chung và áp dụng trong nội bộ cũng như với các đối tượng đối tác bên ngoài.

Giới thiệu về bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh và cẩm nang hướng dẫn áp dụng bộ quy tắc này cho DN, ông Vũ Cương - chuyên gia tư vấn Cty TNHH Tư vấn và hội nhập cho biết, bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp các DN ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và giá trị DN; phát huy liêm chính và các giá trị cốt lõi để mang lại sự phát triển vững chắc cho DN. Đồng thời, giúp DN xây dựng niềm tin với đối tác, với khách hàng, xây dựng thương hiệu DN.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doanh-nghiep-thuc-hien-kiem-soat-noi-bo-va-quy-tac-ung-xu-trong-kinh-doanh-de-phong-chong-tham-nhung-160578.html