Doanh nghiệp thủy sản có thể khó phục hồi sớm do dịch phức tạp

Ngoài việc thiếu hụt lao động để khôi phục sản xuất trong giai đoạn cao điểm cuối năm, các doanh nghiệp thủy sản cũng đối mặt với một loạt khó khăn như giá thức ăn, xăng dầu, cước vận tải tăng cao.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tại các tỉnh Tây Nam Bộ - khu vực sản xuất, chế biến thủy sản trọng điểm số ca mắc mới liên tục tăng cao, nhiều tỉnh thành phải nâng cấp độ dịch khiến các doanh nghiệp thủy sản không khỏi lo ngại về khả năng khôi phục giai đoạn cuối năm.

Chỉ trong 5 ngày từ ngày 24-29/11, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hơn 3.000 F0; trong đó, rất nhiều ca cộng đồng.

Trong ngày 29/11, Vĩnh Long lập đỉnh dịch với 559 ca F0 và đến nay đã vượt mốc 10.000 ca mắc COVID-19. Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ mức 2 lên cấp 3, áp dụng từ ngày 30/11.

Tương tự, tình hình dịch tại tỉnh Sóc Trăng những ngày gần đây cũng diễn biến phức tạp, ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng cao. Ngày 29/11, Sóc Trăng có 753 ca nhiễm mới và đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 17.000 ca mắc COVID-19.

Ngày 28/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 29/11, Sóc Trăng nâng mức độ phòng chống dịch từ cấp áp dụng biện pháp chống dịch ở cấp độ 3 (trước đó Sóc Trăng ở cấp độ 2).

Người dân Sóc Trăng cũng được yêu cầu không ra đường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ trường hợp cấp cứu, lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch…

Trước diễn biến dịch bệnh bất lợi, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản không khỏi lo lắng về khả năng khôi phục sản xuất, xuất khẩu trong giai đoạn nước rút cuối năm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết, từ tháng 7/2021, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, với “điểm nóng” ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… thì đầu tháng 10/2021 đến nay, các tỉnh miền Tây Nam Bộ - vùng sản xuất, chế biến thủy sản trọng điểm của cả nước phải đối mặt trực diện với dịch COVID-19.

“Số ca nhiễm tăng liên tục, báo động quá tải về năng lực điều trị khiến một số địa phương buộc lòng phải nâng cấp độ dịch, thắt chặt kiểm soát nhằm hạn chế lây lan. Trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đau đầu vì số ca nhiễm phát hiện ra hàng ngày ngoài chuyện xử lý từng vụ việc, số người lao động của doanh nghiệp bị vơi dần vì liên quan các ca nhiễm.

Chỉ tính riêng các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng từ đầu tháng 10 đến nay đã giảm trên 4.000 lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19,” ông Hồ Quốc Lực thông tin.

Theo ông Hồ Quốc Lực, ngoài việc thiếu hụt lao động để khôi phục sản xuất trong giai đoạn cao điểm cuối năm, các doanh nghiệp cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn khác. Cụ thể, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi dẫn tới chi phí logistics neo ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Song song đó, việc cung ứng hàng hóa không kịp thời do đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến giá cả biến động và đầu vào trong lĩnh vực nuôi tôm lẫn chế biến tôm đều tăng khiến khả năng phục hồi trong tương lai gần không mấy sáng sủa.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà máy của công ty đã thực hiện 3 tại chỗ từ giữa tháng 7 đến nay.

Mặc dù, Chính phủ cho phép mở cửa, khôi phục sản xuất tùy theo cấp dộ dịch của mỗi địa phương nhưng diễn biến dịch vẫn phức tạp nên doanh nghiệp chưa dám thay đổi hình thức sản xuất.

Theo ông Trần Văn Hùng, doanh nghiệp luôn coi công tác phòng chống dịch là công việc trọng điểm, thường xuyên, lâu dài nhưng với việc quy trách nhiệm cho doanh nghiệp, chỉ cần có 1 ca nhiễm COVID-19 thì cả nhà máy phải tạm ngưng sản xuất nên doanh nghiệp phải gồng mình tiếp tục “3 tại chỗ.”

Trong tổng số hơn 6.000 công nhân, hiện tại chỉ có hơn 4.000 lao động làm việc tại chỗ, số còn lại là lao động ngoại tỉnh, lao động chưa được tiêm vaccine không thể đến chỗ làm việc.

“Dù số lượng công nhân làm việc ít hơn nhưng chi phí phát sinh mà doanh nghiệp phải gánh mỗi tháng tăng hơn trước gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó giá cá tra xuất khẩu vẫn thấp, thị trường xuất khẩu khó khăn, giá thức ăn, xăng dầu, cước vận tải tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng,” ông Hùng nêu thực tế tại doanh nghiệp.

Tại Bạc Liêu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay cũng gần như “đuối sức,” ngoài tuân thủ các quy định trong thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ,” một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn thị xã Giá Rai phải ngưng hoạt động do có công nhân bị nhiễm COVID-19.

Trong khi thời điểm hiện nay được xem là “thời gian vàng” để doanh nghiệp dồn lực cho chế biến, nhằm cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Giáng sinh, tết Dương lịch và các lễ hội ở các nước châu Âu diễn ra vào cuối năm.

Các doanh nghiệp cho biết, đến nay tỷ lệ tiêm mũi 1 vaccine ở một số tỉnh miền Tây còn khá thấp, nhiều nơi chưa đạt 50%, do đó công nhân ngại đi làm và doanh nghiệp cũng rất lo sẽ bùng dịch trong nhà máy.

Để không gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng trong thời gian tới, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ nhanh chóng phân bổ vaccine cho các địa phương để người lao động trong toàn chuỗi sản xuất được tiêm đủ 2 mũi.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì vị thế của thủy sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-thuy-san-co-the-kho-phuc-hoi-som-do-dich-phuc-tap/757016.vnp