Doanh nghiệp thủy sản 'ngóng' phản hồi về vướng mắc bảo hiểm xã hội

Gửi kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về khai báo và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 4/2023 nhưng đến nay cộng đồng doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ phía BHXH Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 24/4/2023, hiệp hội đã gửi công văn tới BHXH Việt Nam báo cáo và đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong quy định về khai báo và đóng BHXH tại Quyết định 490/QĐ-BHXH.

Các DN thành viên VASEP cho biết, theo quy định về BHXH tại Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 có nhiều bất cập, khiến DN dễ dàng bị đánh giá là sai lỗi trong việc khai báo và đóng BHXH mặc dù đó là bất cập do điều kiện khách quan.

Điều 1 của Quyết định 490/QĐ-BHXH quy định thay thế từ "nợ" thành cụm từ "chậm đóng" tại Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 và Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đồng thời bỏ quy định phân loại nợ.

Theo đó, bất kể là nợ xấu hay nợ bình thường đều bị coi là vi phạm và bị xử phạt, kể cả chậm nộp BHXH dưới 30 ngày. Trong khi Điều 122 của Luật BHXH 2014 chỉ áp dụng với trường hợp nợ từ 30 ngày trở lên mới bị xử lý.

Theo các doanh nghiệp thủy sản, quy định về BHXH tại Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 có nhiều bất cập.

"Như vậy, doanh nghiệp đang nợ BHXH dưới 30 ngày trước ngày 1/4/2023 vẫn được coi là chấp hành thu nộp BHXH tốt thì theo Quyết định 490/QĐ-BHXH lại trở thành vi phạm theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 17 Luật BHXH 2014", VASEP phản ánh.

Các DN lý giải, trên thực tế trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, rất hiếm có đơn hàng xuất khẩu nào bán là trả tiền ngay. Để có đơn hàng thường DN phải chấp nhận cho khách trả chậm 60-90 ngày. Rất ít khi có khách chấp nhận mở L/C trả ngay nhưng để hoàn tất bộ chứng từ xuất nhập khẩu trình ngân hàng và nhận được tiền về tài khoản thì sớm nhất cũng 7-10 ngày.

Mặt khác, trong quan hệ kinh doanh thông thường luôn phát sinh nợ với các đối tác. Nợ với các đối tác cũng được phân loại thành nhiều loại: nợ tốt, nợ bình thường, nợ quá hạn, nợ xấu…

Trong khi đó, quy định kể trên lại buộc DN phải nộp tiền BHXH ngay lập tức. Như vậy, quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất - kinh doanh của DN và làm giảm sức cạnh tranh của DN.

"Vướng mắc trên đang và sẽ tạo ra nhiều tác động và hệ quả tiêu cực cho các DN thủy sản nói riêng, cộng đồng DN Việt Nam nói chung. Quy định này vô tình tạo ra các rào cản pháp lý cho DN, khiến DN vi phạm một trong nhưng lỗi an sinh xã hội. An sinh xã hội là một trong các tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, là cơ sở quan trọng để các DN xuất khẩu hàng hóa vào nhiều thị trường quan trọng trên thế giới.

Điều này khiến các đoàn đánh giá quốc tế về trách nhiệm xã hội của các nhà nhập khẩu đánh lỗi DN là không tuân thủ pháp luật Việt Nam và không cấp chứng nhận cho DN. Đồng nghĩa với việc "dừng hợp đồng", gây thiệt hại lớn cho DN trong khi DN luôn cố gắng thực hiện tốt", VASEP phản ánh.

Do đó, VASEP đề nghị BHXH Việt Nam sửa đổi bất cập trong các quy định nói trên tại Quyết định số 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023. Hủy bỏ các quyết định xử phạt (nếu có) đối với các vi phạm quy định này kể từ ngày Quyết định số 490/QĐ-BHXH có hiệu lực.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong quy định về khai báo và đóng BHXH này đã được VASEP gửi tới cơ quan BHXH Việt Nam từ ngày 24/4/2023. Tuy vậy, đến nay VASEP và cộng đồng DN thủy sản vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ phía BHXH Viêt Nam cho vấn đề này.

"VASEP mong sớm nhận được ý kiến phản hồi của BHXH Việt Nam để các vướng mắc của cộng đồng DN về vấn đề trên sớm được tháo gỡ, giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và bảo đảm sự phù hợp và công bằng trong công tác quản lý nhà nước về BHXH", VASEP bày tỏ.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-thuy-san-ngong-phan-hoi-ve-vuong-mac-bao-hiem-xa-hoi/20230710043148926